Vitamin A là vitamin tan trong chất béo. Cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển cơ thể và bộ xương, giữ cho da và các niêm mạc (tiêu hóa, hô hấp, mắt) được khỏe mạnh, không bị nhiễm trùng. Thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, có thể bị mù, làm trẻ chậm lớn, giảm chức năng bảo vệ cơ thể, dễ mắc bệnh nhiễm trùng.
Các loại thực phẩm giàu vitamin A là rau củ quả màu vàng cam như cà rốt, cà chua, bí đỏ, rau màu xanh thẫm. Ngoài ra còn có thức ăn nguồn gốc động vật như thịt, cá gan, dầu gan cá, sữa, kem, bơ, trứng chứa nhiều tiền vitamin A khi sẽ chuyển thành vitamin A khi hấp thu vào cơ thể.
Vitamin D tan trong chất béo. Chất này giúp cơ thể hấp thu tốt canxi và photpho để hình thành cũng như duy trì hệ xương răng vững chắc. Thiếu vitamin D gây giảm quá trình khoáng hóa ở xương dẫn đến còi xương ở trẻ nhỏ, người lớn gây loãng xương.
Một số thực phẩm giàu vitamin D như dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo hoặc một số thực phẩm có bổ sung vitamin D như sữa công thức, bột ngũ cốc... Một nguồn lớn vitamin D được quang hợp trong da nhờ tác động của ánh nắng mặt trời.
Vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B12, PP...) tan trong nước giúp cơ thể tạo ra năng lượng từ thức ăn, bảo vệ da, các dây thần kinh và đường tiêu hóa cùng nhiều chức năng quan trọng khác. Vitamin nhóm B có nhiều troon thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau xanh, rau đậu...
Vitamin C tan trong nước, có tác dụng bảo vệ cấu trúc của xương, răng, da, mạch máu và giúp mau lành vết thương. Vitamin này còn giúp hấp thu sắt, canxi và axit folic. Các loại rau quả tươi giàu vitamin C là cam, quýt, ớt xanh, dâu tây, cà chua, bông cải xanh, khoai tây, khoai lang...
Axit folic cũng rất cần cho sự phát triển, sinh trưởng bình thường của cơ thể. Nếu thiếu sẽ gây ra các bệnh thiếu máu dinh dưỡng, thường gặp ở phụ nữ có thai, cần uống bổ sung ở phụ nữ mang thai. Chất này có nhiều trong các loại rau lá.
Bác sĩ Nguyệt khuyên mỗi người nên chủ động lựa chọn cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý đủ chất để cơ thể phát triển toàn diện, hạn chế bệnh nhật. Cụ thể là ăn đủ 4 nhóm thực phẩm và ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm. Nêu ăn đủ theo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, không dư mà cũng không thiếu, đồng thời phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi để tránh bị ngộ độc
Thi Trân