Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc cho biết, mỗi ngày cơ thể cần được cung cấp đầy đủ các loại dưỡng chất từ 4 nhóm thực phẩm gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, cần dựa vào nhu cầu của từng người để có cách bổ sung thực phẩm phù hợp cho bữa ăn đa dạng, dinh dưỡng. Ăn uống sai cách chính là một trong những nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, điển hình là chứng nóng trong người hay gặp ở các người trẻ bận rộn hiện nay.
Thói quen ăn uống xấu nên tránh
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy tư vấn, nên tránh xa những thói quen dưới đây nếu không muốn bị nóng trong người hay đau dạ dày tái phát.
Ăn quá nhanh
Việc ăn vội vàng đã trở thành thói quen của nhiều người bận rộn trong xã hội hiện nay. Vận động ngay sau ăn cùng những miếng thức ăn lớn chưa kịp nghiền nhỏ khiến tiêu hóa chậm cũng là nguyên nhân gây đau dạ dày, khó chịu, đầy hơi.
Ăn uống vội vã còn gây mất kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ mỗi bữa. Do vậy, bạn hãy dành ít nhất 20 phút cho mỗi bữa ăn tại bàn thật chỉnh tề, vì đây là thời gian để não bộ nhận thức cảm giác no, truyền tín hiệu rằng bạn có thể bỏ bát đũa và ngừng ăn để không đi quá giới hạn.
Ăn nhiều vào buổi tối
Đây là thói quen mà nhiều bạn trẻ trong xã hội hiện đại thường mắc phải. Cố gắng chỉ ăn nhẹ và tốt nhất là ăn bữa tối sớm để phòng ngừa khó tiêu do bạn ăn muộn và ăn bữa lớn có thể dẫn tới khó chịu dạ dày.
Ít ăn chất xơ
Mức sống ngày càng nâng cao cũng là lúc người dân đang có xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn "tinh" (không có chất xơ), làm tăng mạnh các bệnh lý đường tiêu hóa.
Tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng chất xơ là thành phần không thể thay thế đối với sức khỏe con người. Trong quá trình tiêu hóa, chất xơ kích thích làm tăng nhu động ruột, thức ăn không ứ đọng lâu và dễ dàng đi qua ruột. Chất xơ trực tiếp "tống" các chất độc trong ống tiêu hóa, hạn chế sự phát triển một số loại vi khuẩn gây hại trong đại tràng.
Ăn không đúng giờ
Thời gian được xem là chìa khóa của bữa ăn. Ăn đúng giờ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt, dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng. Ngược lại, việc ăn uống thất thường, bỏ bữa sẽ dẫn đến các bệnh lý do rối loạn tiêu hóa và chuyển hoá nguy hiểm. Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng thời điểm ăn uống có ảnh hưởng lớn đến cân nặng, nồng độ cholesterol và lượng hoóc môn insulin.
Ăn uống kém vệ sinh
Việc ăn uống không vệ sinh rất dễ khiến bạn mắc các bệnh về đường ruột như viêm dạ dày ruột cấp tính, đau dạ dày, đầy bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, kiết lỵ hoặc dịch tả...
Lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Bạch Mai, vấn đề nóng, khó tiêu phần lớn là do cách ăn uống không hợp lý, dẫn đến rối loạn trong cơ thể, chứ không phải do thực phẩm tạo nên. Vì thế nhiều người cho rằng thực phẩm này, hay thực phẩm khác, chẳng hạn như mì ăn liền gây nóng, khó tiêu là chưa chính xác.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Bạch Mai cho biết thêm, về bản chất mì ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo/cơm, cháo, bún, phở, bánh mì... được coi là thực phẩm cơ bản trong bữa ăn. Nguyên liệu làm ra mì chủ yếu là từ bột lúa mì (bột mì). Vì vậy, quá trình tiêu hóa khi sử dụng mì ăn liền cũng diễn ra tương tự như với bún, phở, cơm, cháo... Một phần tinh bột có trong sợi mì đã được tiêu hóa ngay tại khoang miệng, sau đó chuyển xuống dạ dày và được lưu giữ khoảng 3-4 giờ. Theo cơ chế tiêu hóa như vậy, việc mì ăn liền tồn tại sau 2 giờ, thậm chí 3-4 giờ tiêu hóa trong dạ dày là bình thường.
Một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa nhiều nhất là chất bột đường với khối lượng 40-50g, 13-17g chất béo và thường không ít hơn 6,9g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350 kcal, tương đương 15-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành. Vì vậy, nếu bạn quá bận rộn, mì gói cũng có thể thay cơm cho bữa ăn thêm phong phú.
Tuy nhiên, để đảm bảo dinh dưỡng, bạn nên kết hợp mì ăn liền với các nhóm khác như đạm (thịt, trứng, hải sản, đậu hũ...) và rau củ (cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua...). Ngoài các vitamin và khoáng chất, sự hiện diện của chất xơ trong rau củ làm tinh bột được hấp thu chậm hơn, tăng lượng phân đào thải giúp tránh táo bón, không gây nóng trong người. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (Bộ Y tế phê duyệt năm 2016), mỗi 1.000 Kcal ăn vào cần 14g chất xơ.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Bạch Mai cũng lý giải thêm, khi ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, bột đường, chất béo, chúng ta dễ có cảm giác bị nóng trong người. Không chỉ bản thân các thực phẩm này chứa nhiều năng lượng mà còn do cơ thể phải sử dụng năng lượng để chuyển hóa các thức ăn này. Ngoài ra, lượng nước cần cho quá trình chuyển hóa các chất sinh năng lượng trong cơ thể bị thiếu hụt cũng gây ra tình trạng khát nước, nóng trong người.
Theo đó, các chất dinh dưỡng (bột đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng) được cung cấp vào cơ thể nên điều chỉnh cho vừa đủ và phù hợp với nhu cầu của từng người, giúp đảm bảo các hoạt động và chuyển hóa hàng ngày. Bất kỳ một loại thực phẩm riêng lẻ nào, không chỉ mì ăn liền, nếu sử dụng thường xuyên mà không kết hợp với các thực phẩm khác sẽ không đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn, dễ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng làm cơ thể mệt mỏi, táo bón, thiếu nước gây cảm giác nóng trong người và nổi mụn.
Kỳ Hân