Bước vào độ tuổi tiền học đường, trẻ em thường xuyên đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do nhiều nguyên nhân. Một phần là do hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn còn non yếu, khiến trẻ không đủ sức để chống lại các vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc đông người tại trường học và bản tính hiếu động cũng làm gia tăng khả năng trẻ bị nhiễm bệnh, dễ lây lan. Đặc biệt, đối với nhóm trẻ học mầm non, nếu như không được bảo vệ tốt, khả năng mắc bệnh càng cao hơn.
Theo bác sĩ CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, một nguyên nhân quan trọng khác là khi trẻ trên 4 tuổi, hiệu lực miễn dịch của các vaccine từng được tiêm ở những năm đầu đời đã suy giảm hoặc không còn khả năng ngăn ngừa nhiều bệnh, khiến trẻ hình thành "khoảng trống miễn dịch" trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đa phần phụ huynh Việt Nam chỉ chú trọng tiêm chủng cho con trong 2-3 năm đầu. Nhiều người không nhận thức đúng tầm quan trọng của những mũi vaccine tiêm nhắc hay gọi là mũi vaccine tăng cường đối với trẻ trên 4 tuổi để duy trì nồng độ kháng thể bảo vệ cao và bền vững hơn.
"Nếu cho rằng, chỉ cần tiêm ngừa ở những năm đầu đời, cơ thể sẽ miễn nhiễm với các bệnh trên thì bạn đã lầm. Thực tế, dù đã chủng ngừa nhưng theo thời gian, sự miễn dịch của cơ thể với các bệnh này sẽ dần suy giảm. Nếu không được tiêm nhắc lại, nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao", bác sĩ Bạch Thị Chính cho hay.
Do vậy, các tổ chức y tế trên thế giới đều khuyến cáo trẻ em cần được tiêm đúng lịch, đúng liều các vaccine phòng bệnh và không được bỏ qua các mũi tiêm nhắc sau đó.
Các loại vaccine trẻ cần tiêm nhắc sau 4 tuổi
Theo Bác sĩ Bạch Thị Chính, trẻ từ 4 tuổi trở lên cần tiêm nhắc lại các loại vaccine để phòng ngừa những bệnh sau:
Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván
Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà là 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hàng đầu đối với trẻ nhỏ đặc biệt trong những năm đầu đời. Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, bệnh để lại những hậu quả nặng nề như như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não (đối với bệnh Ho Gà); viêm cơ tim và viêm thần kinh (đối với bệnh Bạch Hầu); co thắt thanh quản, thuyên tắc phổi, gãy xương (đối với bệnh Uốn Ván)... và có thể dẫn đến tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bên cạnh hoàn tất lịch chủng ngừa cơ bản và tiêm nhắc cho trẻ dưới 2 tuổi, các vaccine có thành phần phòng Bạch hầu - Uốn ván - Ho gà cần được tiêm nhắc cho trẻ lúc 4-6 tuổi; tiếp đó là 9-15 tuổi và mỗi 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần.
Trên thế giới từng ghi nhận những đợt dịch Ho gà bùng phát ở nhóm tuổi 15-18 do không tiêm nhắc lại các vaccine này.
Bại liệt
Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus polio gây ra. Trẻ mắc bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và gây tàn tật suốt đời.
Hiện nay, ngoài vaccine bại liệt dạng uống trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, còn có thể phòng bệnh bại liệt cho trẻ bằng các mũi vaccine phối hợp có chứa thành phần bại liệt ở các điểm tiêm dịch vụ như Hệ thống tiêm chủng VNVC. Như vậy, có thể tạo miễn dịch bại liệt song song với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Hib. Sau khi hoàn thành các mũi cơ bản của vaccine phối hợp có thành phần phòng Bại liệt cho trẻ dưới 2 tuổi, trẻ cần được tiêm thêm 1 mũi nhắc lại vaccine có thành phần Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bại liệt khi lên 4-6 tuổi.
Sởi - Quai bị - Rubella
Sởi - Quai bị - Rubella đều rất dễ lây qua đường hô hấp nếu chưa có kháng thể phòng bệnh. Bệnh để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, tổn thương não (với bệnh Sởi), viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, viêm phổi, viêm tụy, viêm tuyến mang tai, tổn thương não, tổn thương thần kinh sọ não (với Quai bị), thậm chí tử vong.
Hiện nay, đã có vaccine kết hợp giúp phòng cùng lúc 3 bệnh Sởi - Quai bị - Rubella chỉ trong 1 mũi tiêm. Sau khi hoàn thành mũi đầu tiên lúc 12 tháng tuổi, trẻ cần được tiêm nhắc mũi 2 cách mũi 1 là 3 tháng hoặc mũi 2 có thể tiêm khi trẻ lên 4-6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra (Mũi 2 cách mũi 1 ít nhất một tháng).
Thủy đậu
Bệnh thủy đậu do virus varicella zoster gây ra và rất dễ lây truyền qua đường hô hấp từ các giọt dịch tiết li ti đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của người bệnh. Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể gây viêm tai (tai ngoài, tai giữa), viêm thanh quản, viêm phổi. Một số trường hợp nặng có thể gây viêm thận cấp, viêm não - màng não, có thể dẫn đến tử vong nếu phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời.
Thủy đậu xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, nhất là những trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Đặc biệt, bệnh dễ lây, tỷ lệ mắc bệnh cao, vaccine thủy đậu là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh.
Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo để đạt được hiệu quả phòng bệnh thủy đậu cao nhất, ngoài mũi vaccine phòng thủy đậu đầu tiên, trẻ em cần được tiêm thêm liều thứ 2 cách liều 1 là 3 tháng hoặc mũi 2 tiêm khi trẻ 4-6 tuổi.
Cúm
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, có khả năng lây nhiễm cao và nhanh, có thể thành dịch. Bệnh lây truyền thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc lây nhiễm gián tiếp qua đồ vật thông qua việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn, quần áo, ly uống nước, bàn chải đánh răng,... Tỷ lệ lây lan bệnh càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho hay trẻ em, nhất là dưới 5 tuổi, thuộc nhóm dễ gặp biến chứng nặng và nguy hiểm hơn khi mắc cúm như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Để phòng ngừa bệnh cúm, trẻ em dưới 9 tuổi nếu chưa từng tiêm vaccine cúm cần tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau tối thiểu một tháng và tiêm nhắc 1 mũi hàng năm. Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn cần tiêm mỗi năm một lần. Việc tiêm nhắc vaccine cúm hàng năm là rất cần thiết để duy trì sự bảo vệ cao nhất bởi các chủng virus cúm biến đổi liên tục mỗi năm, đồng thời kháng thể bảo vệ tạo ra bởi vaccine cúm tồn tại trong thời gian ngắn dưới 1 năm.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, tiêm vaccine phòng bệnh là cách bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất. Ngoài việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, giúp trẻ em khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não bình thường, tiêm ngừa đúng lịch, đủ mũi còn góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh khác, giảm chi phí chăm sóc y tế. Tại Việt Nam, sau 6 tuổi, trẻ không còn được hưởng BHYT 100%. Trong khi đó, nhiều bệnh có chi phí điều trị cao, ảnh hưởng sức khỏe của bé, công việc và thời gian của bố mẹ.
"Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trẻ chỉ đủ điều kiện đến trường khi được xác nhận đã tiêm/uống những loại vaccine quan trọng theo quy định. Trong bối cảnh trường học mở cửa lại sau giãn cách xã hội, tiêm vaccine đầy đủ là chìa khóa để giúp trẻ an tâm đến trường", Bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh.
Anh Ngọc