Đây là 6 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) trong số 30 lọ được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu dùng cho bệnh nhân ngộ độc botulinum, để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi lọ có dung tích 50 ml, do Canada sản xuất, bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C.
Đại diện bệnh viện cho biết gần đây Việt Nam xảy ra nhiều vụ ngộ độc do nhiễm độc tố botulinum, thường có trong các loại thực phẩm chay đóng hộp quá hạn sử dụng. Thuốc giải độc tố botulinum rất khan hiếm, giá thành cao và phải nhập khẩu với số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tháng trước, ngành y tế ghi nhận một người tử vong, 5 người nguy kịch, nghi ngờ ngộ độc botulinum thực phẩm sau ăn bún riêu chay tại Miếu Chiêu Liêu ở Bình Dương. Hiện, bốn người đang điều trị Bệnh viện Nhân dân 115 và một bệnh nhi ở Nhi đồng 2.
Hai lọ huyết thanh kháng độc tố BAT cuối cùng cả nước, được đưa từ Hà Nội vào TP HCM, để truyền cho cho các bệnh nhân. Người nặng nhất, nhập viện đầu tiên, được truyền một lọ. Bệnh nhi 16 tuổi được truyền 2/3 lọ. Sức khỏe cả hai cải thiện hơn sau khi truyền. 1/3 lọ thuốc còn lại được ưu tiên truyền cho trường hợp nặng nhất trong ba bệnh nhân nhập viện sau.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong, liệt không hồi phục.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh. Người bệnh dùng thức ăn chứa độc tố này có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn. Triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt cơ theo trình tự bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong. Các triệu chứng này xuất hiện nhanh hay chậm tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum. Ở điều kiện bình thường nhiều không khí, vi khuẩn Clostridium botulinum tồn tại dưới dạng bào tử, có nhiều trong đất.
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cuối tháng 8/2020 cảnh báo về pate Minh Chay vì gây ngộ độc cho nhiều người. Hàng chục bệnh nhân ngộ độc bolutinum do ăn pate này ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Nhà chức trách xác định hàng nghìn người đã mua sản phẩm này và thu hồi được gần 300 lọ.
Hơn 30 năm Việt Nam không ghi nhận ca ngộ độc botulinum nào, do đó không dự trữ huyết thanh cũng như thuốc giải độc. Khi ấy, các bệnh viện đề nghị Bộ Y tế nhập thuốc từ nước ngoài về điều trị.
Cuối tháng 8, WHO đã tài trợ toàn bộ chi phí và điều phối hai lọ thuốc giải độc botulinum từ Thái Lan về Hà Nộiđể cứu hai vợ chồng ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Thuốc có giá 8.000 USD một lọ. Một số bệnh nhân không dùng thuốc giải độc tố, được điều trị bằng phương pháp thay huyết tương, lọc máu, thở máy, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin nhóm B, tập vật lý trị liệu, tiến độ hồi phục chậm.
Tháng 9/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc botulinum đưa từ Thụy Sĩ về Việt Nam để cứu người bị ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay.