Khi ấy, trưa 20/3, ông không biết "lát mỏng màu trắng" được gọi tên là gì. Vợ ông - bà Hà, 53 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương - mang bún riêu về cho chồng rồi quay lại Miếu Chiêu Liêu để lo bữa trưa cho các phật tử đang sinh hoạt tại đây. Bữa ăn do bà Hà và em gái là bà Mỹ phụ trách. Hôm sau bà Hà nhập viện 115 với triệu chứng ngộ độc, hôm sau nữa bà Mỹ cùng con gái 16 tuổi nhập viện Chợ Rẫy với triệu chứng tương tự. Sau đó, bà Mỹ được gia đình xin bệnh viện đưa về nhà, tử vong. Ba người khác lần lượt nhập viện trong những ngày sau.
Ở bệnh viện, khi bác sĩ hỏi về thức ăn các bệnh nhân dùng trước đó, ông Nhẹ gọi về nhà, nghe những người ăn chung bữa trưa kể miếng chả bọc nilon bên trong, bên ngoài gói lá chuối, có chỗ bị phồng lên. Con trai ông Nhẹ suy đoán món bị phồng là pate vì từng nghe về những trường hợp ngộ độc nguy kịch liên quan pate chay hồi năm ngoái.
"Lúc đấy vợ tôi nguy kịch, ai cũng hoảng loạn, cả hai cha con đều không có mặt trong bữa ăn, chưa rõ thông tin cụ thể nên chỉ phán đoán là pate", ông Nhẹ nói. "Nhiều người bảo ăn chả chay hôm ấy không nghe mùi chua, có thể đoạn chả bị phồng lên mới có vị lạ".
Ông Trần Trí Đức, bố của một nữ bệnh nhân 22 tuổi, cho biết những người cùng ăn đều bảo nước bún riêu rất trong, không có pate, chỉ có chả chay. "Chả được thái lát rồi cho vào tô bún chứ không đun nấu", ông Đức nói.
Con gái của ông Đức, sau ăn một ngày bắt đầu nôn ói, tiêu chảy liên tục. Sáng hôm sau, cô gái chóng mặt, không ăn uống được, nuốt khó, mắt lừ đừ, khó thở. Em gái của ông, 43 tuổi, cũng biểu hiện tương tự. Cả hai đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Bước đầu 6 bệnh nhân nghi là ngộ độc botulinum sau khi ăn món bún riêu chay. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương vẫn đang điều tra, truy nguồn gốc nguyên liệu chay gây chùm ca ngộ độc. Các cơ quan chức năng đang lấy mẫu chả chay (loại bao gói kín) và pate chay trên thị trường, tại các cơ sở sản xuất trong tỉnh, để gửi xét nghiệm tìm vi khuẩn, độc tố.
Tiến sĩ Vũ Đình Thắng, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhân dân 115, ngày 31/3 cho biết bốn bệnh nhân điều trị tại đây vẫn thở máy vì chưa tự thở được, sụp mi nhiều, sức cơ yếu. "Các bác sĩ đang nỗ lực cứu sống bệnh nhân, chưa thể nói trước về thời gian hồi phục", bác sĩ Thắng nói.
Bệnh nhân còn lại, 16 tuổi, vẫn điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết sau 9 ngày nhập viện, bệnh nhi vẫn liệt tứ chi, sức cơ chưa cải thiện. "Hiện bé đang được thở máy, kháng sinh, hỗ trợ", bác sĩ Thạch thông tin. Ngày 31/3, Nhi đồng 2 mời bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hội chẩn liên viện để thống nhất hướng điều trị tiếp theo.
Như vậy, đến nay, liên quan chùm ca nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau ăn bún riêu chay tại Miếu Chiêu Liêu ở Bình Dương, ngành y tế ghi nhận một người tử vong, 5 người nguy kịch.
Hai lọ huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cuối cùng cả nước, được đưa từ Hà Nội vào TP HCM. Bà Hà được truyền một lọ, bệnh nhi 16 tuổi được truyền 2/3 lọ. Sức khỏe cả hai cải thiện hơn sau khi truyền. Trước đó, tình trạng bà Hà rất nguy kịch, hôn mê sâu, liệt tứ chi, chân tay không cử động, không đáp ứng bất kể kích thích nào, từng ngưng tim một lần. 1/3 lọ thuốc còn lại được ưu tiên truyền cho trường hợp nặng nhất trong ba bệnh nhân nhập viện sau.
Hai bệnh nhân bị nhẹ hơn, do đã hết thuốc giải độc nên bác sĩ áp dụng thay huyết tương, lọc bỏ chất độc, cùng nhiều biện pháp hỗ trợ khác. Hai người này không có bảo hiểm y tế, hoàn cảnh khó khăn, chi phí ba lần thay huyết tương khoảng 75 triệu đồng mỗi người. Ban giám đốc bệnh viện chỉ đạo y bác sĩ trước mắt nỗ lực cứu bệnh nhân, chi phí sẽ tính toán vận động sau.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong, liệt không hồi phục.
Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum. Ở điều kiện bình thường nhiều không khí, vi khuẩn Clostridium botulinum tồn tại dưới dạng bào tử, có nhiều trong đất.
"Dù là chả, pate hay bất cứ thực phẩm nào khác đều có nguy cơ nhiễm bào tử của vi khuẩn này, đến môi trường yếm khí nó sẽ sinh sôi phát triển, tạo ra độc tố", bác sĩ Thắng phân tích.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh. Người bệnh dùng thức ăn chứa độc tố này có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn. Triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt cơ theo trình tự bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong. Các triệu chứng này xuất hiện nhanh hay chậm tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.