Trao đổi với VnExpress, một bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết hiện chưa xác định tình trạng ngộ độc của bệnh nhân do tác nhân gì. Các bác sĩ sẽ hội chẩn, lên phương án lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm tìm nguyên nhân.
"Triệu chứng lâm sàng giống nhiễm độc botulinum", bác sĩ nói. Botulinum là loại chất gây độc thần kinh cực mạnh, tỷ lệ tử vong hoặc liệt người cao..
Chùm ca bệnh gồm ba người thân đến từ Bình Dương. Người chị 53 tuổi đang hôn mê sâu tại Bệnh viện 115. Em gái bà tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Cô bé là con của người quá cố, đang nguy kịch tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Sở Y tế thành phố cho biết.
Cả ba người đều có cùng triệu chứng nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp..., trước đó cùng ăn pate chay. Người nhà cho biết trưa 20/3, gia đình nấu bún riêu chay tại miếu cách nhà khoảng hai km, ở thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, cho nhiều người cùng ăn. Trong nguyên liệu thấy có một hộp pate chay đã bị phồng lên.
Tối nay, bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã mang hai lọ thuốc giải độc botulinum vào TP HCM, hội chẩn, điều trị.
Sở Y tế TP HCM yêu cầu người dân tạm ngưng sử dụng tất cả các sản phẩm có liên quan đến pate chay trong khi chờ xác định chính xác thông tin về bữa ăn và thực phẩm nói trên. Sở khuyến cáo những ai đã cùng ăn pate chay với các bệnh nhân trên, cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.
"Các loại thực phẩm đóng hộp, khi bị căng phồng, biến dạng thường có nguy cơ nhiễm độc tố, không nên sử dụng", bác sĩ cảnh báo. "Mọi người nên ăn chín uống sôi, sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc".
Nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng của các bệnh nhân chỉ có sau các xét nghiệm bệnh phẩm. Một số bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi Đồng thận trọng, không loại trừ khả năng bệnh nhân mắc bệnh khác như viêm thân não hoặc viêm tủy cắt ngang (tổn thương tủy sống gây liệt vận động, thường gặp ở trẻ 5-15 tuổi).
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cuối tháng 8/2020 cảnh báo về pate Minh Chay vì gây ngộ độc cho nhiều người. Hàng chục bệnh nhân ngộ độc bolutinum do ăn pate này ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Nhà chức trách xác định hàng nghìn người đã mua sản phẩm này và thu hồi được gần 300 lọ.
Hơn 30 năm Việt Nam không ghi nhận ca ngộ độc botulinum nào, do đó không dự trữ huyết thanh cũng như thuốc giải độc. Khi ấy, các bệnh viện đã đề nghị Bộ Y tế nhập thuốc từ nước ngoài về điều trị.
Cuối tháng 8, WHO đã tài trợ toàn bộ chi phí và điều phối hai lọ thuốc giải độc botulinum từ Thái Lan về Hà Nội để cứu hai vợ chồng ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Thuốc có giá 8.000 USD một lọ. Một số bệnh nhân không dùng thuốc giải độc tố, được điều trị bằng phương pháp thay huyết tương, lọc máu, thở máy, tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin nhóm B, tập vật lý trị liệu, tiến độ hồi phục chậm.
Tháng 9/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc botulinum đưa từ Thụy Sĩ về Việt Nam để cứu người bị ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố.
Khi dùng thức ăn chứa độc tố botulinum, người bệnh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong, liệt không hồi phục.