FDA đã cập nhật các giấy phép sử dụng khẩn cấp hiện có cho hai loại vaccine. Theo đó, liều tăng cường thứ ba được áp dụng cho người cấy ghép nội tạng, bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Quyết định này giúp bảo vệ những người không thể đáp ứng với hai mũi tiêm ban đầu.
Hiện khoảng 3% người Mỹ bị suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do, như tiền sử ung thư hay việc sử dụng một số loại thuốc.
"FDA nhận thấy người suy giảm miễn dịch đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh nặng. Sau khi xem xét kỹ lưỡng những dữ liệu sẵn có, FDA xác định nhóm thiểu số, dễ bị tổn thương này được tiêm liều vaccine Pfizer hoặc Moderna thứ ba", tiến sĩ Janet Woodcock, quyền ủy viên FDA, phát biểu.
Việc cấp phép liều vaccine thứ ba sẽ mở ra giai đoạn mới trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Đầu tháng tới, cơ quan quản lý vaccine liên bang dự kiến phê duyệt hoàn toàn đối với vaccine Pfizer. Điều này cho phép thêm nhiều công ty và tổ chức thực hiện tiêm chủng.
Các nhà khoa học và cơ quan chính phủ cũng đắn đo trong quyết định tiêm liều vaccine tăng cường cho nhiều người Mỹ hơn. Đây là ý tưởng gây tranh cãi gay gắt. Nhiều nhà khoa học cho rằng còn quá ít dữ liệu để đưa ra kết luận. Các nước khác như Israel và Đức đã tiêm vaccine tăng cường.
Trong tuyên bố ngày 13/8, tiến sĩ Woodcock, cho biết: "Những người khác (không thuộc nhóm suy yếu miễn dịch) đã tiêm hai mũi vaccine, được bảo vệ đầy đủ, không cần tiêm thêm ngay lúc này". Theo ông, FDA đã nghiêm túc phối hợp với các bang để xem xét liệu có cần tiêm bổ sung trong tương lai hay không.
Mỹ là quốc gia mới nhất đồng ý tiêm liều thứ ba vaccine Covid-19 cho những người suy yếu miễn dịch. Pháp thực hiện điều này từ tháng 4, Đức và Hungary gần đây có động thái tương tự.
Thục Linh (Theo NY Times)