Cháo gà hành tía tô
Món cháo gà hành tía tô có thể giúp giảm viêm nhiễm, đẩy nhanh quá trình phục hồi của cơ thể, giảm triệu chứng ngạt mũi, giảm nhẹ các triệu chứng đường hô hấp trên, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ nấu, bổ sung thêm nước cho cơ thể.
Cách làm món ăn này như sau: chuẩn bị nguyên liệu (cho 4 phần ăn) gồm gạo tẻ 100 g, gạo nếp 30 g, đỗ xanh 20 g, gà 1/2 con, hành khô, hành lá, tía tô, gừng, gia vị, mắm, tiêu. Lấy gạo, đỗ vo sạch, còn hành, tía tô rửa sạch và thái nhỏ. Hành khô nướng thơm, gừng cạo vỏ thái lát mỏng. Gà làm sạch, luộc chín, xé sợi nhỏ.
Cho gạo và đỗ vào nồi nước luộc gà ninh liu riu cùng xương gà, hành khô nướng. Khi gạo đã chín nhừ, đặc sánh thì gắp bỏ xương ra. Cho thịt đã xé nhỏ vào nồi, đun sôi lửa to hơn một chút, nêm gia vị vừa ăn, rắc hành và tía tô thái nhỏ vào, trộn đều, tắt bếp. Múc ra bát, rắc hạt tiêu và vài lát gừng thái mỏng, ăn ngay khi nóng.
Nước gừng, chanh, sả, mật ong
Món ăn này giúp làm sạch đường hô hấp trên, phòng ngừa viêm nhiễm đường hô hấp và virus corona. Nguyên liệu gồm chanh 5 quả, rửa sạch, lột lấy vỏ. Sả 15 củ, rửa sạch, đập dập. Gừng tươi một củ, rửa sạch, để nguyên vỏ, thái lát mỏng. Mật ong 2 thìa canh (20 ml).
Cách làm như sau: đun sôi nước, cho sả đập dập vào đảo đều, cho vỏ chanh và gừng tươi thái lát vào, đảo đều. Đun liu riu khoảng 2-3 phút, tắt lửa, đậy vung. Chắt ra lọ/bình thủy tinh, cho 2 thìa mật ong khuấy đều.
Nên uống ấm, mỗi lần dùng một ly 100 ml (sáng ngủ dậy, giữa ngày và trước khi đi ngủ).
Ngoài hai món ăn trên, các món ăn từ cá cũng là thực phẩm tốt, giúp phòng ngừa virus corona. Cá là nguồn thực phẩm giàu đạm. Bên cạnh đó, vitamin A và omega-3 trong cá giúp nâng cao hệ miễn dịch trong cơ thể, giảm viêm nhiễm, tăng hoạt tính của bạch cầu, đại thực bào, bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn. Cá có thể chế biến thành nhiều món như cá sốt cà chua, cá nướng, cá nấu dưa, cá kho, cá rán... Nên ăn ít nhất 200 g cá mỗi tuần.
Các thực phẩm nên tăng cường nói chung gồm các thực phẩm giàu vitamin A và caroten (trái cây chín màu vàng, cam, đu đủ, gan). Vitamin A cần thiết cho việc duy trì toàn vẹn niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa giúp tạo thành hàng rào ngăn sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.
Các thực phẩm giàu vitamin C (cam, bưởi, các loại rau lá xanh). Vitamin C giúp nâng cao miễn dịch, giảm triệu chứng viêm.
Các thực phẩm giàu vitamin D (gan cá, trứng gà hoặc ngũ cốc có bổ sung vitamin D) có vai trò trong việc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Các loại hạt giàu vitamin E (hạnh nhân, hướng dương, hạt bí...). Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh, giảm nhiễm khuẩn đường hô hấp, hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch và kháng thể.
Các thực phẩm giàu kẽm (thịt, hải sản). Kẽm cần thiết cho hoạt động của các tế bào miễn dịch, bao gồm bạch cầu.
Các thực phẩm giàu seleninum (tôm, nấm, trứng, đậu đỗ). Selenium giúp nâng cao miễn dịch, phòng ngừa lão hóa.
Các loại gia vị có tính kháng khuẩn (tỏi, gừng, hành...): Các chất hóa thực vật giúp kháng viêm, nâng cao miễn dịch cơ thể. Sữa chua giúp tăng cường sản xuất gramma interferon giúp ức chế sự nhân lên của virus.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Phổi Trung ương