Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, trong y học cổ truyền nấm lim xanh là một loại thảo dược quý được xếp vào loại thượng phẩm. Nấm có tác dụng bảo vệ tế bào gan, giải độc, bổ não, tiêu đờm, bổ dạ dày, làm thuốc tăng cường hệ miễn dịch và phòng ngừa ung thư.
Nấm lim xanh tự nhiên được chia thành 6 loại. Hồng linh chi mọc từ rễ cây lim ra nấm màu đỏ. Hắc linh chi mọc từ vỏ cây ra nấm màu đen. Bạch linh chi mọc từ lõi cây ra nấm trắng. Hoàng linh chi mọc từ tầng giữa vỏ và lõi ra nấm vàng. Thanh chi màu xanh và tử chi màu tím.
Dược sĩ Phụng cho biết, nấm lim xanh được truyền miệng là "trị bách bệnh" nên nhiều người tìm mặc dù thân nấm chưa phát triển đầy đủ và chưa có hoạt chất hoàn thiện. Bên cạnh đó, những người hái nấm không có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực dược có thể nhầm lẫn khi thu hái.
"Tuy nấm lim xanh được coi là thảo dược quý hiếm, người dùng cũng không nên quá lạm dụng. Người cơ địa quá nhạy cảm có thể cảm thấy khó tiêu, chóng mặt, ngứa ngoài da trong thời gian đầu dùng nấm", bà Phụng nói.
Uống rượu ngâm với nấm lim xanh có thể gây phát ban, đau bụng, khô cổ họng, ngứa mũi, chảy máu mũi và phân có máu. Phụ nữ đang mang thai và cho con bú, người huyết áp thấp, bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp và thuốc chống đông máu được khuyến cáo nên hạn chế sử dụng.
Trước khi dùng nấm lim xanh, người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cẩn trọng khi chọn mua vì trên thị trường thuốc đông dược hiện nay khó nhận biết được loại nấm thật giả hoặc đã qua chiết xuất hay chưa, dược sĩ Phụng khuyến cáo.
Nấm lim xanh và nấm linh chi đều thuộc họ Nấm linh chi nhưng giá trị dược tính khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố như điều kiện trồng nấm, khí hậu, thời gian nuôi trồng... Trong đó, nấm lim xanh chỉ mọc trên thân cây gỗ lim còn nấm linh chi có thể mọc trên nhiều loại gỗ khác. Nấm lim xanh có hình dáng xù xì, kích thước và trọng lượng nhỏ hơn nấm linh chi.