- Khi phát hiện trẻ bị khủng hoảng tâm lý, người lớn cần giúp các em tách hẳn khỏi tình huống, sự kiện gây khủng hoảng càng sớm càng tốt.
- Chữa triệu chứng tổn hại cơ thể về mặt thể chất như giảm đau, kháng viêm, chữa trị, chăm sóc vết thương do tai nạn, bỏng, bạo hành, hiếp dâm… Có thể cho trẻ thuốc an thần gây ngủ trong vài ngày đầu.
- Nâng đỡ về mặt thể chất, bồi dưỡng cơ thể để giúp trẻ sớm lấy lại sức.
- Tâm lý trị liệu thích hợp cho trẻ trong những trường hợp hoảng loạn nhiều, kéo dài trên một tuần. Cần đặc biệt quan tâm đến những trẻ lớn vốn hay lo sợ, nhút nhát và các bé bị khủng hoảng nặng nề từ một số tình huống đặc biệt như bạo hành, hiếp dâm, tai nạn giao thông, cướp bóc, khủng bố…
- Tránh la mắng khi trẻ nghĩ về sự kiện gây khủng hoảng. Đừng khoét sâu vào nỗi đau của chúng bằng những lời nhiếc móc, đổ thừa.
- Tránh bắt trẻ kể lại sự việc khủng khiếp đã xảy ra, trừ khi chúng tự kể lại. Khi nghe cần tôn trọng phản ứng của trẻ.
- Tránh những phản ứng thái quá của người lớn trước mặt trẻ như nổi giận, văng tục, hăm dọa kẻ gây hại cho trẻ.
- Ở những trẻ lớn, cha mẹ cần để ý dặn bé tránh lạm dụng rượu, ma túy để ứng phó với những cơn đau buồn.
- Người nhà, bè bạn, thầy cô, xã hội cần tránh nhắc lại mãi sự việc đã qua bởi như thế sẽ vô tình “làm mới” ký ức đau buồn của trẻ. Tránh ruồng bỏ, khinh khi hay làm tổn thương tâm lý các em nhiều hơn.
- Người lớn luôn ở bên trẻ sau khi xảy ra khủng hoảng để giúp trẻ cảm thấy không bơ vơ, đơn độc đối phó với sang chấn. Cố gắng giúp trẻ duy trì nề nếp sinh hoạt hàng ngày như trước khi xảy ra khủng hoảng.
- Khi giải thích về khủng hoảng cho trẻ, phụ huynh cần chọn lọc, rất vắn tắt, cố gắng “bình thường hóa” sự kiện, đừng đào sâu quá về những tình huống khủng hoảng đã xảy ra.
- Tạo điều kiện đưa trẻ đi du lịch, giải trí, nghe nhạc vui tươi, tập thể dục thích hợp, giúp trẻ nguôi ngoai dần nỗi đau; thời gian đồng hành cùng các cách trợ giúp tích cực sẽ xóa dần “ký ức khủng hoảng” trong tâm tưởng trẻ.
- Luôn thể hiện sự yêu thương, đùm bọc, sẵn sàng trợ giúp trẻ, để trẻ thấy có chỗ dựa an toàn, lấy lại lòng tin, mạnh mẽ, vượt qua thử thách.
- Xây dựng niềm tin mới và tích cực cho trẻ.
- Đồng hành cùng trẻ, huấn luyện trẻ những kỹ năng nhìn nhận, chấp nhận và thích ứng với khủng hoảng, đối phó tích cực với khủng hoảng nhằm giúp trẻ vượt qua khủng hoảng một cách bền vững. Ở điểm này, vai trò của chuyên gia tâm lý thật sự cần thiết.
Phòng ngừa khủng hoảng tâm lý cho trẻ
Phòng ngừa khủng hoảng tâm lý cho trẻ thực ra không phải chờ đến khi xảy ra mới thực hiện mà phải dạy cho trẻ ứng phó hiệu quả khi gặp khủng hoảng. Ở các nước phát triển, những kỹ năng này được thầy cô dạy và chuẩn bị rất tốt giúp trẻ tự tin thoát hiểm, bình tĩnh đối phó với tình huống xấu và vượt qua khủng hoảng, trưởng thành hơn. Song vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam.
Theo bác sĩ Mẫn, cha mẹ, nhà trường, xã hội cần quan tâm hơn đến việc huấn luyện, chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp sự cố, như việc tập bơi, phòng tránh cháy nổ, biết cách thoát thân khỏi đám cháy, trú ẩn an toàn khi gặp động đất, sạt lở đất đá, tránh những cái chết thương tâm vì thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng.
Có thể cho trẻ tham gia các lớp huấn luyện kỹ năng sống, hướng đạo sinh, rèn luyện năng lực thoát thân, sống sót, an toàn khi gặp nguy hiểm. Dạy cho trẻ đề phòng các mối nguy hại, nhận diện nguy hiểm để tránh, thực hiện tốt các quy định an toàn, như mang phao khi ngồi tàu trên sông biển, thắt dây an toàn khi lên xe hơi, máy bay…
Cần khuyến khích trẻ rèn luyện, sử dụng kỹ năng giao tiếp, suy nghĩ và cảm xúc một cách hiệu quả, có thể diễn đạt và thể hiện bản thân một cách lành mạnh. Xây dựng mối quan hệ tích cực và hỗ trợ với những người xung quanh như bạn bè, gia đình, xã hội. Động viên trẻ thực hành các kỹ năng chia sẻ, quan tâm và hợp tác.
Người lớn cần dạy trẻ lối tư duy tích cực và lạc quan, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, tạo thói quen đối thoại với bản thân một cách tích cực, vượt qua thử thách với thái độ lạc quan. Từ đó giúp trẻ trải nghiệm và ý thức được những cảm xúc tích cực như hy vọng, niềm vui, sự hài hước...