Cậu em trai 7 tuổi đang cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ tiên lượng nguy cơ xấu vì thiếu ôxy não do bé đuối lâu dưới nước.
Tai nạn xảy ra chiều ngày 16/4, tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hai chị em cùng chị gái họ đi tắm suối. 30 phút sau cô chị họ chạy về gọi người nhà cấp cứu, khi người nhà đến nơi thì 2 bé đã bị dòng nước cuốn trôi đi xa. Cứu lên bờ thì bé gái đã tử vong, còn bé trai đang thoi thóp được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, mạch không, huyết áp không.
Trước đó, một vụ đuối nước thương tâm cũng xảy ra tại Quảng Ngãi. Trưa 15/4, 9 học sinh lớp 6B trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) đến sông Trà Khúc tắm, tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, cứ đến hè, trời nóng, trẻ được nghỉ học thì số ca bị đuối nước thường tăng. Vì thế, cha mẹ cần hết sức cảnh giác không nên để trẻ nhỏ chơi gần ao, mương, rạch; khi đi bơi cần có sự theo dõi sát sao của người lớn.
Trong trường hợp trẻ bị đuối nước thì cần sơ cứu đúng cách. Nhiều người lớn sau khi vớt trẻ lên hay bế dốc ngược lên vai và chạy để nước ra ngoài. Cách làm này không đúng, không có tác dụng nếu trẻ không tự thở được. Thay vào đó, điều quan trọng đầu tiên khi sơ cứu là khai thông đường thở, kiểm tra mũi, miệng trẻ xem có dị vật hay không. Nếu có dùng thủ thuật Hemlich đẩy nước, dị vật ra ngoài; làm thủ thuật hô hấp nhân tạo… Có trẻ có thể mắc cả cá, bùn đất trong miệng. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Không sơ cứu trước khi chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Nguyên nhân là do thiếu oxy ở các tổ chức cơ thể trong một thời gian dài, đặc biệt là não.
Long Nhật