Ngày đón nhận hung tin cách đây hơn 3 năm, bà mẹ trẻ sinh năm 1985 suy sụp hoàn toàn. Sức khỏe xuống dốc nhanh chóng, cô được chỉ định ghép tế bào gốc sau vài tháng điều trị không thuyên giảm. May mắn kết quả xét nghiệm tế bào gốc của người chị ruột tương thích với tế bào gốc của cô, ca ghép tiến hành thuận lợi.
Khoảng hơn một năm đầu sau ghép, cô thường hay ốm yếu, mắc bệnh lặt vặt do sức đề kháng yếu vì ảnh hưởng của thuốc ức chế miễn dịch. Hiện sức khỏe dần hồi phục, da dẻ hồng hào, cô đã quay trở lại với công việc ở ngân hàng. Gặp mặt người bệnh ghép tế bào gốc nhân kỷ niệm 21 năm từ ca ghép đầu tiên tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM chiều 15/7, ít ai nghĩ người phụ nữ xinh xắn này từng trải qua những tháng ngày đối diện với căn bệnh sinh tử, gầy gò, rụng tóc vì truyền hóa chất.
Cũng tại cuộc hội ngộ, Huy, chàng trai sinh năm 1992 chia sẻ 7 năm trước phát hiện bệnh lymphoma (ung thư hạch) khi đang học lớp 11. Gác lại việc học, Huy từ Bình Thuận vào TP HCM bắt đầu quá trình điều trị nhiều gian nan. Trải qua ca ghép tế bào gốc tự thân (sử dụng tế bào gốc của chính bản thân bệnh nhân), Huy hồi phục ngoài mong đợi. Trở về quê, Huy tiếp tục học lên lớp 12 và đỗ đại học ngay trong năm đầu thi tuyển. Vừa bảo vệ xong đồ án tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông, chàng trai tràn đầy niềm tin vào tương lai.
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho biết, ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, là cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường. Kể từ ca ghép đầu tiên Việt Nam được thực hiện tại đây 21 năm trước, hiện bệnh viện đã thực hiện ghép 214 ca, đứng đầu cả nước về số lượng. Chỉ 6 tháng đầu năm 2016 bệnh viện đã tiến hành thành công 17 ca ghép. Nơi đây đã thực hiện được đầy đủ các kỹ thuật mới nhất của thế giới, ghép 3 loại tế bào gốc là tủy xương, máu cuống rốn, máu ngoại vi.
Theo bác sĩ Dũng, nam bệnh nhân ghép tủy xương đầu tiên vào năm 1995 sau khi hồi phục đã quay trở lại với công việc thợ may trước đây. Anh lập gia đình, sinh 2 đứa con khỏe mạnh. Đây cũng là bệnh nhân ghép tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam, đi vào lịch sử ngành tế bào gốc Việt Nam. Từ thành công này, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM tiếp tục đạt được những thành tựu trong kỹ thuật tiên tiến điều trị bệnh máu.
Năm 2002, nơi đây thực hiện ca ghép máu cuống rốn đầu tiên Việt Nam. Tháng 4/2013, ca dị ghép nửa thuận hợp HLA (còn gọi là Halo) đầu tiên thành công tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học thành phố. Đây là kỹ thuật hết sức khó khăn, không cần phù hợp HLA hoàn toàn mà chỉ cần tương thích 50% là có thể ghép. Hiện bệnh viện là nơi duy nhất cả nước thực hiện kỹ thuật Halo, đã ghép được 7 trường hợp. Sự thành công này đánh dấu một bước tiến quan trọng, dần giải quyết được vấn đề thiếu nguồn tế bào gốc ghép phù hợp hoàn toàn.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Mẫn, Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học cho biết, kỹ thuật tự ghép có thể áp dụng điều trị bệnh đa u tủy, lymphoma, bạch cầu cấp... Dị ghép được chỉ định trong các trường hợp bạch cầu cấp, bạch cầu mãn, suy tủy, loạn sinh tủy, thalassemia, lymphoma... Vượt qua được giai đoạn 5 năm đầu sau ghép, bệnh nhân có thể kéo dài cuộc sống khá lâu.
Hiện rào cản lớn nhất với các bệnh nhân là chi phí, mặc dù kết quả thành công ghép tế bào gốc ở Việt Nam tương đương với các nước phát triển trong khi chi phí thấp hơn rất nhiều. Ở Mỹ chi phí một ca ghép khoảng 20 tỷ đồng, Singapore khoảng 4-6 tỷ đồng. Tại Việt Nam, một ca ghép tế bào gốc tự thân khoảng 200 triệu đồng, ca dị ghép khoảng 600-800 triệu, Bảo hiểm Y tế chi trả 50%. Tuy nhiên, đây vẫn là chi phí rất lớn so với nhiều gia đình bệnh nhân.
Lê Phương