Theo các bác sĩ, ca phẫu thuật thành công đến 90%. Hiện trẻ chỉ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, hy vọng khỏi bệnh của bé là rất lớn.
Cuối năm 2012, thấy con xanh xao sau một lần sổ mũi, hắt hơi; gia đình bé Ánh đưa đi khám và được bác sĩ cho biết trẻ bị thiếu máu. Khi lên Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ mới phát hiện Ánh bị suy tủy xương. Nếu không được ghép, trẻ có thể chết vì giảm hồng cầu, bạch cầu...
Sau 1 năm, bệnh của Ánh ngày một nặng hơn. Khi đó, các bác sĩ Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đề nghị gia đình đưa cháu sang để ghép tủy. Do hoàn cảnh khó khăn nên Bệnh viện đã điều trị miễn phí hoàn toàn cho Ánh.
Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, chia sẻ trường hợp Ánh là ca ghép tế bào gốc thứ 100 tại Viện và bệnh nhi thứ ba trong suốt 8 năm qua. Ca bệnh khiến tất cả bác sĩ đều cảm động vì trẻ được ghép tế bào gốc đồng loại từ tủy xương của người em gái 6 tuổi. Hai bệnh nhi trước, tế bào gốc được lấy từ máu ngoại vi.
Viện Huyết học và truyền máu đã mở rộng chỉ định ghép ở các thể bệnh khác, độ tuổi ghép, kiểu ghép (trước chủ yếu từ anh chị em ruột phù hợp, nay đã tiến hành ghép nửa phù hợp từ bố, mẹ hoặc anh chị em ruột). Chi phí cho mỗi hình thức ghép khác nhau, khoảng 200 triệu đồng cho một ca ghép tế tự thân và 600 triệu đồng cho một ca ghép đồng loại. Những trường hợp có bảo hiểm có thể được chi trả 100-300 triệu đồng.
Cả nước đã có nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị bệnh máu như Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 108.
Ngày 23/4, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết và công bố thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu thứ 100. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng đây là dấu mốc đánh dấu sự phát triển trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong điều trị những bệnh máu hiểm nghèo của Viện Huyết học Truyền máu Trung. Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, cho biết phương pháp ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu ác tính là một trong những phương pháp mũi nhọn hiện nay. Sắp tới, Viện sẽ triển khai ngân hàng tế bào gốc máu cuống rốn cộng đồng, để các bà mẹ tương lai tình nguyện gửi máu cuống rốn của mình, tạo kho dự trữ tế bào gốc điều trị trong tương lai. |
Nam Phương