Trả lời VnExpress ngày 2/11, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM) ủng hộ tiêm mũi ba vaccine Covid-19, đặc biệt đối với nhóm nhân viên y tế có nguy cơ cao do thường xuyên tiếp xúc với các ca nhiễm.
Ông Dũng giải thích, kháng thể, tế bào T và B có trí nhớ miễn dịch tạo thành "tấm khiên" chống Covid-19. Trong đó, kháng thể đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ không mắc Covid-19 có triệu chứng, các tế bào T và B có trí nhớ miễn dịch bảo vệ giúp bệnh không trở nặng hoặc gây tử vong.
Một nghiên cứu ở Australia ước tính kháng thể chống Covid-19 sẽ giảm phân nửa sau 108 ngày (khoảng 15 tuần), dựa trên số liệu về kháng thể ở người đã tiêm vaccine. Tuy nhiên tế bào miễn dịch khác không bị sút giảm, thậm chí tế bào B có trí nhớ còn hơi tăng theo thời gian trong vòng 6 tháng đầu. Vì vậy giả sử hiệu lực vaccine chống lại mắc Covid-19 có triệu chứng ở thời điểm ban đầu là 90%, thì 6 tháng sau tiêm hiệu lực còn 70%. Tức là hiệu lực bảo vệ chung giảm 20%, còn mức kháng thể sinh ra từ vaccine có thể giảm nhiều hơn.
Dữ liệu của Pfizer gần đây nhất (tháng 7/2021) dựa trên đánh giá hiệu quả vaccine thực hiện trên 44.000 người ở Mỹ và các quốc gia khác, cho thấy hiệu quả chung của vaccine sau khi tiêm hai mũi từ 91% giảm còn 84% sau 6 tháng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiệu quả của vaccine Pfizer là mạnh nhất ở mức 96,2% trong khoảng từ một tuần đến hai tháng sau khi tiêm liều thứ hai, trung bình giảm 6% mỗi hai tháng. Hiệu quả vaccine ổn định 97% đối với phòng bệnh Covid-19 nặng.
Theo một công bố của hãng Moderna vào tháng 8/2021, vaccine của Moderna hiệu quả chung là 93% trong 6 tháng và 98% đối với bệnh Covid-19 nặng sau khi tiêm đủ hai mũi. Tuy nhiên, những dữ liệu mới nhất này không đánh giá hiệu quả chống lại chủng Delta.
Hiện, chưa có nghiên cứu công bố về hiệu quả kéo dài của vaccine trong thế giới thực của vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca và Sinopharm.
Như vậy, sau khi tiêm vaccine khoảng 4-6 tháng, kháng thể suy giảm và nếu bị phơi nhiễm với nCoV, con người có thể mắc bệnh. Dù không bị bệnh nặng, virus vẫn sinh sản trong cơ thể nên có thể lây lan cho người khác, tạo "cơ hội" cho dịch bùng phát. Vì vậy, mũi tiêm nhắc lại rất quan trọng, đảm bảo không lây nhiễm, theo PGS Dũng.
Thạc sĩ, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện 1A TP HCM cũng ủng hộ tiêm mũi ba vaccine ngừa Covid-19 vì nồng độ kháng thể chắc chắn sẽ giảm theo thời gian. Ví dụ, tại Mỹ, thời gian tiêm mũi nhắc lại là 6 tháng sau khi hoàn thành mũi hai Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
"Việt Nam đang tiêm nhiều loại vaccine, trong đó một số loại mức độ bảo vệ chưa cao (50-60% theo nghiên cứu đã công bố), nên tùy tình hình thực tế, mũi nhắc lại có thể nên tiêm sớm hơn, sau mũi hai 4-5 tháng", bác sĩ nhận định.
Bác sĩ cho rằng không chỉ ưu tiên tiêm liều tăng cường cho tuyến đầu chống dịch, mà còn mở rộng cho nhóm suy giảm miễn dịch như người bệnh ung thư, người nhiễm HIV, người có bệnh nền, người làm công việc du lịch, dịch vụ... sau đó triển khai tiêm toàn dân. Cơ quan quản lý cần tính toán nhập vaccine phù hợp để đáp ứng nhu cầu tiêm mũi ba cùng với một trong hai loại người dân đã tiêm. Tránh trường hợp tiêm ba mũi hoàn toàn khác nhau do chưa có nghiên cứu về tình huống này.
Bên cạnh đó, PGS Dũng cũng cho biết cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng trước khi tiêm đại trà, ví dụ loại vaccine nào, nhóm người dân nào cần tiêm mũi ba, tiêm vào thời điểm nào. Chuyên gia dự đoán không cần tiêm nhắc vaccine Covid-19 hàng năm, tần suất có thể 3-5 năm tương tự vaccine ngừa bạch hầu do đa số đột biến của nCoV ít có khả năng thoát khỏi miễn dịch cơ thể.
Hôm 30/10, Sở Y tế TP HCM đề xuất UBND và Bộ Y tế cho phép tiêm mũi ba vaccine Covid-19 cho nhóm người có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu chống dịch trong hai tháng cuối năm. Đây là mũi tiêm nhắc lại với những người đã tiêm đủ hai mũi sau 6 tháng đến một năm, tùy loại vaccine, không phải mũi tăng cường. Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Singapore... đã tiêm mũi ba vaccine Covid-19.
Đến nay, hơn 7,6 triệu người dân TP HCM tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi một, hơn 5,7 triệu người tiêm mũi hai.
Cầm Lê - Chi Lê