Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết hai ứng viên vaccine này, một do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang nghiên cứu với công nghệ phôi trứng gà, và một của công ty Công nghệ sinh học Dược Nanogen theo công nghệ tái tổ hợp.
Sản xuất vaccine tái tổ hợp là sử dụng công nghệ sinh học tách và tái tổ hợp gene của nCoV vào vi khuẩn hoặc một dòng tế bào thích hợp. Sản xuất vaccine từ phôi trứng gà là phát triển virus trên tế bào phôi gà hoặc trứng được thụ tinh, sau đó vô hiệu hóa virus không còn khả năng gây bệnh rồi tạo thành kháng nguyên (chất gây phản ứng miễn dịch cho cơ thể) để điều chế vaccine.
Hai vaccine đang ở giai đoạn test thử thách, tức là tạo ra một vaccine hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với nCoV để thử thách hiệu quả bảo vệ. Trong đó, Nanogen đang test thử thách vaccine tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE); còn IVAC gửi vaccine sang Mỹ để test. Kinh phí đầu tư cho test thử thách cùng thử độc tính và tính sinh miễn dịch của vaccine khoảng một triệu USD.
Ông Quang cho biết đã yêu cầu Nanogen gửi vaccine đến Hàn Quốc test thử thách, song song với test tại NIHE. Lý do là Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đánh giá vaccine giai đoạn này. NIHE cũng được Bộ Y tế yêu cầu kiện toàn phòng an toàn sinh học phục vụ cho test thử thách vaccine.
Cả hai nhà sản xuất này dự kiến tháng 12 sẽ có kết quả test thử thách và tiền lâm sàng khác. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ cho phép thử nghiệm lâm sàng vaccine ngay trong tháng và một năm sau hoàn thành ba giai đoạn nghiên cứu lâm sàng vaccine.
IVAC hiện có dây chuyền sản xuất vaccine với công suất khoảng 30 triệu liều một năm, từng sản xuất vaccine phòng cúm. Nanogen cũng có dây chuyền sản xuất công suất khoảng 30 triệu liều một năm. Do đó vaccine do hai đơn vị này sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.
"Công ty sẽ phối hợp với Mỹ để đánh giá vaccine và công bố thông tin khi có kết quả khả quan", đại diện IVAC nói.
Ngoài Nanogen và IVAC, hai đơn vị Việt Nam còn lại đang nghiên cứu vaccine Covid-19 gồm Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac). Trong đó, Vabiotech hiện chưa có hồ sơ nghiên cứu tiền lâm sàng và dây chuyển sản xuất vaccine, trong khi Polyvac tuyên bố "vaccine bước đầu cho thấy kết quả khả quan" song không nêu cụ thể.
Vabiotech và Polyvac nghiên cứu vaccine trên công nghệ vector virus, tức là sử dụng một virus không gây bệnh làm phương tiện, đưa một phần mã gene không có khả năng gây bệnh vào cơ thể, để kích thích cơ thể tạo đáp ứng miễn dịch.
Theo ông Quang, quá trình nghiên cứu lâm sàng vaccine có rủi ro rất lớn, không dễ thực hiện, tỷ lệ thành công chỉ 20-25% nên tốn kém nhiều thời gian và sức lực, tiền của.
"Rất có thể đánh giá lâm sàng kết quả không được như ý muốn. Đôi khi vaccine nghiên cứu được không thể sinh kháng thể để bảo vệ, không đáp ứng theo yêu cầu", ông nói.
Nửa tháng trước, Bộ Y tế đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý xây dựng đề án hỗ trợ sản xuất vaccine Covid-19. "Tức là Chính phủ sẽ đầu tư vaccine", ông giải thích. Bộ Y tế sẽ sớm thúc đẩy các đề án và hỗ trợ cho các nhà sản xuất, mục tiêu cuối cùng là Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine Covid-19.
Bộ Y tế dự kiến kêu gọi các tổ chức cùng tham gia đầu tư sản xuất vaccine và tiếp cận với vaccine Covid-19 nước ngoài thông qua hợp tác quốc tế. Việt Nam là một trong 92 quốc gia tham gia chương trình "Giải pháp tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu" (COVAX Facility). Tổ chức này đặt mục tiêu cung ứng hai tỷ liều vaccine với khoảng 20% dân số cho các quốc gia thành viên COVAX, vào cuối năm 2021.
Thế giới có 187 loại vaccine Covid-19 đang triển khai nghiên cứu, trong đó 38 vaccine đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng bao gồm 9 ở giai đoạn ba; 3 trong giai đoạn hai; 26 loại đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai giai đoạn một. Ngoài ra còn có 149 loại vaccine đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.
Nếu các nhà sản xuất trong tổ chức COVAX hoàn thành vaccine, Việt Nam cũng sẽ được tiếp cận sản phẩm sớm. Khi ấy vaccine Covid-19 sẽ ưu tiên tiêm trước cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, người già, người có bệnh mạn tính...
Tuy nhiên, số lượng vaccine được phân phối, điều tiết cho mỗi quốc gia ở giới hạn nhất định, nhiều nhất khoảng một chục triệu liều trong một năm. Vì vậy, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine trong nước, song song với tiếp cận vaccine từ nước ngoài.
Chi Lê