Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP HCM, cho biết tùy thuộc dạng thủy ngân, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể mà biểu hiện ngộ độc ở mỗi người khác nhau.
Dấu hiệu ngộ độc thủy ngân
Tê và đau nhói ở môi, ngón tay, ngón chân, cay mắt, cay mũi, ho, tức ngực, khó thở, đau đầu... sau khi tiếp xúc với nguồn, có thể bạn đã hít hay nhiễm thủy ngân. Thông thường, dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần kể từ khi tiếp xúc với nguồn.
Xử trí
Đầu tiên, phải nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp và tuần hoàn của người bệnh. Loại thải chất độc dính ở da bằng cách cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm. Người dân không tự giải độc thủy ngân tại nhà mà chỉ xử trí ban đầu sau đó đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được lấy máu và nước tiểu để xét nghiệm hàm lượng thủy ngân trong cơ thể. Mẫu máu của bệnh nhân được gửi đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, kiểm tra.
Bệnh viện cũng thực hiện một số xét nghiệm khác như công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, chụp X-quang phổi và khí máu động mạch, methemoglobin (metHb), carboxyhemoglobin (HbCO)... để có kết quả chính xác về mức độ nhiễm thủy ngân của từng người.
"Sau khi được kết luận ngộ độc thủy ngân, bệnh nhân phải dùng thuốc giải độc tại bệnh viện", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh.
Giải độc
Bệnh nhân bị ngộ độc do nuốt phải thủy ngân, bác sĩ sẽ không cho gây nôn và cũng không rửa dạ dày, vì nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt tính giải độc bởi than không có tác dụng hấp thụ thủy ngân.
Trường hợp ngộ độc thủy ngân vô cơ, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch. Nếu có tổn thương niêm mạc hầu họng gây phù nề nhiều, bệnh nhân phải được đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp. Khi xuất hiện triệu chứng toàn thân có sự chuyển đổi thủy ngân hữu cơ thành vô cơ trong cơ thể, bệnh nhân được dùng thuốc giải độc đặc hiệu ngay.
Người dân sống quanh khu vực cháy có phát tán thủy ngân cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế. Tẩy rửa tường, sàn nhà, đồ gia dụng, không sử dụng nước từ các bể chứa hở, kiểm soát an toàn thực phẩm... để bảo vệ sức khỏe. Khi có dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.
Ngày 6/9 khoảng 400 người dân hai phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung, đã đi khám sức khỏe miễn phí để kiểm tra nguy cơ nhiễm thủy ngân và khí độc phát tán sau vụ cháy kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông hôm 28/8. Trước đó, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố hỏa hoạn khiến môi trường xung quanh kho Rạng Đông có mức thủy ngân vượt khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Người dân ở trong vùng bán kính 500 m kể từ điểm cháy được khuyến cáo khám sức khỏe.
Thùy An