Trước khi bước vào đợt siết chặt giãn cách, ngày 22/8 TP HCM ghi nhận 340 F0 tử vong. Một tuần sau, 245 trường hợp được ghi nhận - giảm 95 ca. Ngày 30 và 31/8, số ca tử vong tăng lên 335 và 303, sau đó giảm nhiều trong tuần qua. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca tử vong là 11.409.
Trong tờ trình gửi UBND TP HCM về Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9, Sở Y tế cho biết các ca tử vong chủ yếu tập trung ở độ tuổi trên 50, đa số có bệnh nền (87%), trong khi số ca mắc trên 50 tuổi chỉ chiếm 1/3 tổng số người bệnh Covid-19. Tỷ lệ tử vong cộng dồn đến nay là 4,16% (chỉ tính trên tổng số F0 được xác định bằng kết quả PCR, chưa tính các trường hợp F0 có kết quả test nhanh dương tính đang cách ly tại nhà).
Trong số tử vong tại bệnh viện, tổng số ca ở các bệnh viện thuộc tầng 2 nhiều hơn tầng 3. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở tầng 3 cao hơn tầng 2 (chiếm 33,3% so với 4,5%).
Số bệnh nhân Covid-19 tử vong chủ yếu tập trung ở các bệnh viện chuyên tiếp nhận F0 trung bình và nặng, nguy kịch, nhiều bệnh lý nền - thuộc tầng 2 và 3 trong mô hình điều trị 3 tầng TP HCM đang triển khai. Thời gian qua, số bệnh nhân nặng từ tầng dưới chuyển lên tuyến cuối giảm, tỷ lệ bệnh nhân hồi phục tăng cao, kéo theo số tử vong thấp hơn.
Các chuyên gia đánh giá, điều trị F0 tại nhà và cộng đồng, có sự chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu là một trong những chìa khoá quan trọng giúp TP HCM giảm tỷ lệ tử vong. Trong chiến lược này, các quận huyện đóng vai trò chủ chốt, thành lập các khu cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến kịp thời "chia lửa" cho hệ thống điều trị tuyến thành phố đang quá tải. Điều này giúp bệnh được theo dõi, chăm sóc tốt ngay từ đầu tại địa phương. Họ được trấn an, chia sẻ để bình tĩnh, phối hợp tốt hơn, từ đó giảm nguy cơ trở nặng.
Chẳng hạn, tại quận 7 - một trong hai nơi đầu tiên cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, khi số F0 tăng cao hồi giữa tháng 8, lãnh đạo quận đã "xé rào", chuyển đổi một khu cách ly tập trung thành Bệnh viện dã chiến số 1, đầu tư bồn oxy lỏng để điều trị F0 có triệu chứng nhẹ và vừa. Điều này vừa giúp quận "tự cứu mình" trong bối cảnh khó tìm bệnh viện, vừa góp phần giảm tải tuyến trên. Quận cũng thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0, đạt hiệu quả rõ rệt trong cấp cứu tại chỗ những F0 diễn biến nặng rất nhanh.
Trong chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện, thành phố đang có 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức cấp cứu (ICU) với quy mô gần 5.000 giường hồi sức và 82 bệnh viện tầng 2 với hơn 60.000 giường bệnh. Hàng nghìn y bác sĩ, máy móc từ nhiều nơi trong cả nước được huy động về thành phố. Bên cạnh đầu tư trang thiết bị, thuốc men, TP HCM thời gian qua đã tăng cường oxy cho các bệnh viện, bởi "oxy là vấn đề sống còn" trong điều trị Covid-19.
Các bệnh viện tầng 3 đang hoạt động theo mô hình "chị - em" với bệnh viện tầng 2. Tức là, mỗi trung tâm ICU phụ trách vài quận huyện, để hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn điều trị, cử bác sĩ hồi sức xuống nắm tình hình. Thành phố cũng ứng dụng quản lý thông tin giường bệnh và oxy cho bệnh nhân Covid-19 trong hệ thống 3 tầng điều trị, góp phần giúp các cơ sở đã kịp thời điều chuyển bệnh nhân, không để ùn ứ.
Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19), mô hình "chị - em" với chiến thuật "đánh chặn từ xa" vừa giúp tuyến dưới tăng năng lực điều trị để bệnh nhân mau hồi phục, vừa kịp thời phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng để chuyển viện, can thiệp sớm, tránh nguy cơ diễn tiến nguy kịch. Ngược lại, khi một số ca thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà tầng dưới có thể chăm sóc, điều trị thì bệnh viện chuyển xuống để nhường giường cho bệnh nhân nguy kịch khác.
"Mấu chốt quan trọng nhất để giảm tử vong nằm ở bệnh viện tầng 2. Đây là nơi trung gian, nếu làm tốt có thể giúp giảm tỷ lệ chuyển nặng dẫn đến tử vong và ngược lại", bác sĩ Thức nói. Những nỗ lực trên giúp việc thông tuyến giữa các tầng, cũng như năng lực điều trị của tuyến dưới. Một tuần trở lại đây tỷ lệ tử vong trung bình một ngày tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 giảm khoảng 50% so với trước.
Yếu tố quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ tử vong, theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Bệnh viện Quân y 175), là số người tiêm vaccine tại thành phố đang tăng dần mỗi ngày. Khảo sát tại Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 ghi nhận những F0 tiêm vaccine có triệu chứng bệnh nhẹ hơn với người không tiêm. Ngoài ra, một lý do khác làm tăng tỷ lệ hồi phục là gần đây bệnh nhân được sử dụng nhiều loại thuốc kháng virus, thuốc kháng đông... Trong tổng số hơn 1.000 bệnh nhân nhập viện tại đây có khoảng 400 bệnh nhân xuất viện, hàng trăm người giảm được độ nặng.
Cho rằng số ca tử vong tại TP HCM "đang giảm nhưng vẫn còn cao", PGS.TS Phạm Duệ (nguyên Trưởng khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, TP HCM cần chú ý đến 3 nấc giải pháp. Đầu tiên là giãn cách, nhằm giảm mức độ cuồng phong của "bão dịch". Thứ hai, điều trị đúng và chăm sóc tốt để người nhiễm không phải gia nhập tầng 3 để thở máy và lọc máu. Cuối cùng là tầng 3 phải được tăng cường cả trang thiết bị hiện đại và cả nhân lực cao cấp để kịp thời điều trị, cấp cứu ca bệnh nặng, không để tử vong.
"Trong 3 nấc thang đó, giãn cách và tăng thêm khoa Hồi sức tích cực đỉnh cao đã làm nhưng không thể tăng được mãi. Việc sử dụng ECMO rất đắt, khó sử dụng. Thế nên giải pháp tốt nhất vẫn là điều trị tốt ở tầng một và tầng 2. Bởi ít người chuyển lên tầng 3 thì tự nhiên tỷ lệ tử vong sẽ giảm", bác sĩ Duệ nói.
Thực trạng số F0 nặng, tử vong cao từng được lãnh đạo TP HCM đề cập hồi đầu tháng 8. Khi ấy, thành phố chưa có chủ trương điều trị F0 tại nhà. Với mỗi ngày hơn 3.000 ca, dù nâng công suất giường mỗi ngày, lập bệnh viện mới, "tách đôi" nhiều bệnh viện quận huyện, tăng cường nhân lực, trang thiết bị, nhưng khâu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 vẫn quá tải. Thêm vào đó, biến chủng Delta khiến F0 khi bắt đầu trở nặng thì diễn tiến nhanh, nguồn nhân lực và trang thiết bị tại một số đơn vị chưa đáp ứng đủ khiến hệ thống cấp cứu, điều trị nhiều lúc "trở tay không kịp".
Để kéo giảm số tử vong, TP HCM điều chỉnh dần những bất hợp lý trong khâu điều trị, đồng thời tăng tốc tiêm vaccine.
Với mũi nhọn điều trị F0 tại nhà và cộng đồng, thành phố đã thành lập 471 trạm y tế lưu động tại các phường xã (vượt chỉ tiêu đề ra là 400 trạm), 312 tổ phản ứng nhanh, huy động tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện... chăm sóc, theo dõi F0 tận nhà, đồng thời tư vấn từ xa qua tổng đài 1022 và các mạng lưới khác. Thành phố chuẩn bị hàng trăm nghìn túi thuốc, bao gồm thuốc kháng virus phát cho F0 giúp điều trị sớm. Người không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được đưa vào một trong 191 khu cách ly tập trung quận, huyện. Bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng sẽ được xử trí hoặc chuyển đến viện.
Sở Y tế dự báo số ca nặng và tử vong sau ngày 15/9 tiếp tục giảm. TP HCM cần tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi đủ 2 mũi - ưu tiên lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai) trước, tiến tới bao phủ 100%; triển khai tiêm cho trẻ em có nguy cơ cao (bệnh nền, béo phì) khi có nguồn vaccine. Tuỳ theo mức độ kiểm soát dịch, thành phố có thể cho phép người dân quay lại sản xuất, sinh hoạt xã hội.