Hai địa phương này vừa được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị chọn làm hai mũi đột phá để thí điểm kịch bản "bình thường mới" cho TP HCM sau ngày 15/9.
Củ Chi - huyện ngoại thành, thời gian qua ghi nhận hơn 6.000 ca mắc Covid-19, trong đó phần lớn đã được chữa khỏi, rất ít trường hợp chuyển nặng. Chủ tịch UBND huyện Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, ở 3 đợt dịch trước Covid-19 chưa xuất hiện tại địa bàn, nên khi dịch bùng phát hồi tháng 6 huyện đã lên chiến lược ứng phó và hạn chế thấp nhất tử vong.
"Tách nhanh nhất các F0 để có phương án chăm sóc" là việc ưu tiên của Củ Chi, sau đó động viên họ đến 10 cơ sở thu dung tại các xã để được bác sĩ và tình nguyện viên chăm sóc. Những F0 cách ly tại nhà được theo dõi sát, phát túi thuốc từ đầu và được tư vấn tâm lý, hỗ trợ tinh thần.
Mấu chốt quan trọng để giảm tỷ lệ trở nặng, tử vong ở Củ Chi là đầu tư chăm sóc sức khỏe sớm cho F0 theo chiến thuật "đánh chặn từ xa". 10 đội y tế lưu động được thành lập ở các phường xã, túc trực 24/24h để vừa chăm sóc người bệnh thông thường vừa hỗ trợ F0 tại nhà. Còn các khu thu dung, cách ly được vận hành như khu điều dưỡng, tạo điều kiện thoải mái cho người bệnh khi điều trị.
Theo bác sĩ Trương Tấn Hùng (Giám đốc Trung tâm y tế huyện Củ Chi), tinh thần thoải mái, lạc quan sẽ rất tốt cho sức khoẻ giúp F0 nhanh hồi phục và khả năng diễn tiến nặng sẽ ít đi. Lúc đầu, các khu cách ly chỉ tiếp nhận, phân loại F0 tại địa phương theo mức độ nguy cơ rồi chuyển đến các bệnh viện điều trị Covid-19 theo quy định của Sở Y tế. Tuy nhiên, do các bệnh viện tuyến trên quá tải, không thể tiếp nhận hết F0 nên khu thu dung đã chuyển đổi công năng, trở thành bệnh viện dã chiến tuyến huyện điều trị người bị nhẹ hoặc không triệu chứng. Từ nhiều nguồn, các bác sĩ đã huy động trang thiết bị, thuốc điều trị, cấp cứu, bình oxy, máy tạo oxy... để cấp cứu kịp thời những bệnh nhân trở nặng, hạn chế việc chuyển tuyến.
Các lực lượng tình nguyện viên được huy động đến phục vụ ở khu thu dung và cách ly tập trung trong huyện. "Nhiều cô giáo tình nguyện hàng ngày nấu nước chanh sả mang lên cho F0 nâng cao sức khỏe", bà Hiền cho biết. Những F0 không triệu chứng trẻ tuổi, khoẻ mạnh cũng được nhờ theo dõi sức khoẻ người lớn tuổi, có bệnh nền ở chung phòng, giúp giảm tải công việc cho y bác sĩ.
Nỗ lực đầu tư chăm sóc từ tầng thấp nhấp giúp tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng tại Củ Chi chiếm 3,5% (114 trường hợp) trong hơn 3.200 ca cách ly tập trung (tỷ lệ trung bình của thành phố 10-15%), hơn 10 người tử vong.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn khi dẫn đầu đoàn công tác (Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM) đến làm việc tại nhiều cơ sở của huyện Củ Chi, hôm 31/8, đã đánh giá cao những nỗ lực của địa phương. Ông Sơn đề nghị Củ Chi cố giữ vững các "vùng xanh", bảo đảm tốt đời sống F0, động viên thường xuyên để họ an tâm vượt qua dịch bệnh.
Tương tự, quận 7 cũng sớm đưa ra nhiều giải pháp để chăm sóc F0 từ đầu, giúp hạn chế tử vong. Trước đây, mỗi ngày quận có 10-12 ca tử vong, cuối tháng 8 là 2-3 ca, song 3 ngày gần đây có một người. Một tuần qua, số ca tử vong trung bình mỗi ngày của TP HCM là hơn 260.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh (Chủ tịch UBND quận 7, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19) cho biết, hồi đầu tháng 5 thành phố yêu cầu mỗi quận huyện có khoảng 200 giường cách ly thì quận 7 đã chuẩn bị 33 cơ sở với khoảng 3.400 giường, đủ năng lực để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; đồng thời lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 với quy mô 600 giường bệnh với 150 giường cấp cứu; hình thành được mô hình điều trị 2 tầng.
Đến đầu tháng 8, khi TP HCM vượt 100.000 ca nhiễm, các bệnh viện quá tải, quận 7 tiên phong đưa vào hoạt động mô hình y tế cộng đồng tại 10 phường để hỗ trợ kịp thời F0, F1, người dân trong vùng phong tỏa, cách ly... Mỗi phường có một tổ gồm 10-15 thành viên là nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện, trang bị 2 hotline, xe cấp cứu, thiết bị y tế, thuốc cấp cứu, các xe lăn, cáng khiêng để hỗ trợ người bệnh trong từng con hẻm. Hiện, các tổ đã quản lý, chăm sóc, theo dõi hơn 2.500 F0 và hơn 1.800 F1 cách ly tại nhà.
Tiếp đó, quận 7 thành lập 34 trạm y tế lưu động với 83 bác sĩ, 272 tình nguyện viên, nhân viên y tế, đảm nhận điều trị, chăm sóc ban đầu với các bệnh lý thông thường, kịp thời hỗ trợ người dân tiếp cận y tế. Tính từ 20/8 đến nay, các trạm y tế lưu động đã đến thăm khám hơn 2.500 trường hợp, tư vấn online khoảng 7.000 ca, chuyển viện cấp cứu 86 người.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Nga (Phó giám đốc Bệnh viện Quận 7, trực tiếp điều phối, quản lý hoạt động các tổ y tế cộng đồng) cho biết, thông thường bệnh sẽ chuyển nặng trong 5-7 ngày đầu, do đó tỷ lệ chuyển nặng của nhóm này sẽ cao hơn với nhóm đã cách ly. Việc tổ y tế gọi điện thoại hỏi thăm tình trạng, giữ liên lạc và thăm khám cho các F0 đã kịp thời phát hiện các trường hợp chuyển nặng để can thiệp, hỗ trợ cấp cứu, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.
Các bệnh nhân trung bình, nặng sẽ được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 16 quy mô 3.000 giường, Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách với 500 giường, Bệnh viện điều trị Covid-19 quận 7 số 1 quy mô 300 giường, Bệnh viện quận 7 và hàng loạt bệnh viện tư nhân.
Khi lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch tăng cao những ngày đầu tháng 8, Trung tâm ICU do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách đã đi vào hoạt động, kịp thời giải quyết một phần bài toán quá tải F0 nặng. Gần 70% bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển đến bệnh viện này phải thở máy. Sự chi viện nhân lực, máy móc từ tuyến trung ương giúp hơn 200 F0 từ nặng chuyển sang nhẹ, hồi phục tốt.
Ngoài ra, để san sẻ gánh nặng với tuyến cuối, cấp cứu kịp thời người bệnh ngay tại tuyến cơ sở, Bệnh viện Điều trị Covid-19 quận 7 số 1 (trực thuộc UBND quận 7) lắp đặt một bồn oxy 32 tấn, cung cấp cùng lúc cho hàng trăm bệnh nhân thay vì phải thay hàng trăm bình mỗi ngày.
Đợt bùng phát dịch thứ 4 từ 27/4 đến nay TP HCM ghi nhận hơn 251.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 10.400 người tử vong.