Từ ngày 13/7 đến 18/8, ít nhất 9 bệnh nhân ngộ độc botulinum phải vào viện điều trị, trong đó 7 người phải thở máy. Các bệnh nhân này đều đã ăn pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B, độc tố là botulinum.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết vi khuẩn Clostridium là một loại trực khuẩn hình que, tồn tại rất rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất và phân, nước ao, nước sông hồ, thậm chí trong các hạt bụi bẩn hay ở động vật... Vi khuẩn này rất sợ axit và nhiệt, kỵ khí. Do đó, nó không phát triển mạnh ở những nơi thông gió tốt hay môi trường đủ oxy. Ngược lại, càng thiếu không khí và oxy nó càng sinh sôi mạnh.
Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh. Nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh, rồi ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Một khi chất dẫn truyền thần kinh bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện làm cho các cơ bị tê liệt.
Tiến sĩ Khuất Quang Sơn, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, chuyên gia nghiên cứu về các độc tố, cho biết botulinum có 8 loại, trong đó nhiễm độc tuýp A và B là phổ biến nhất. Đây là chất kịch độc, thuộc loại chất độc thần kinh cực mạnh. Người nhiễm có thể ngộ độc qua đường tiêu hóa là ăn uống, đường hô hấp hít thở hoặc xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch.
Lý giải về mức độ nguy hiểm của độc tố này, các chuyên gia so sánh với các chất khác như asen có thể giết người hàng loạt, hay kali xyanua giết người chỉ với lượng nhỏ, "nhưng vẫn thua kém 10.000 lần so với botulinum". Trong Thế chiến hai, độc tố botulinum được ưu tiên số một để nghiên cứu sản xuất vũ khí hóa sinh học.
Theo bác sĩ Phúc, botulinum là "vua của tất cả các chất độc". Liều 0,004 μg/kg cân nặng có thể gây tử vong một người, một kg botulinum đủ giết chết một tỷ người.
Tuy nhiên, botulinum không chịu được nhiệt. Nếu đun ở 100 độ C, sau hai phút chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực, đun đến 10 phút có thể bị phá hủy. Do đó, thực phẩm đun sôi xấp xỉ 100 độ C không gây độc.
Thế giới đến nay đã ghi nhận hơn 2.900 trường hợp ngộ độc do botulinum, trong đó tuýp A và B chiếm 98,7%. Ca ngộ độc botulinum đầu tiên ở trẻ sơ sinh được ghi nhận vào năm 1976.
Biểu hiện ngộ độc botiulinum xuất hiện sau khi ăn từ 12 đến 36 giờ, có thể kéo dài tới vài ngày, thậm chí 4 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, độc tố càng nhiều, bệnh càng nặng và nguy cơ tử vong càng cao.
Các triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, biểu hiện viêm dạ dày và ruột. Nếu lượng độc tố vào cơ thể ít, triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ.
Khi độc tố xâm nhập vào các dây thần kinh sọ ngoại biên, người bệnh giảm thị lực như nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mí, giãn đồng tử, không phản xạ ánh sáng hoặc liệt mặt. Bệnh tiến triển rối loạn tiết nước bọt, khô miệng, khó nuốt, nói khó, nói khàn, rối loạn ngôn ngữ... thậm chí liệt toàn thân, tắc ruột cơ năng. Giai đoạn cuối là khó thở, rối loạn nhịp thở. Tỷ lệ tử vong ở giai đoạn này từ 30 đến 60%, do suy hô hấp.
Trẻ nhỏ nhiễm độc sẽ bị táo bón trong khoảng hai đến ba ngày hoặc lười ăn, sau đó khó nuốt, yếu cơ và lười vận động gây khó thở. Tỷ lệ tử vong khoảng 1 đến 2%.
Để phòng ngộ độc botulinum, mọi người nên giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu nuôi trồng đến chế biến, vận chuyển và sử dụng. Thức ăn thừa sau bữa ăn phải để vào tủ lạnh.
Thùy An