Chị Hoàng Oanh, 26 tuổi, ngụ quận Bình Tân cho biết lúc mắc Covid-19 hồi đầu tháng 12, chị có triệu chứng rất nhẹ, không ho sốt, chỉ nghẹt mũi, rát họng và có hai ngày cảm thấy khó thở, đo SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) tụt xuống 92%. Chị thở oxy qua mũi bằng máy tạo oxy tại nhà thì dễ chịu hơn, sau đó không cần hỗ trợ hô hấp.
Âm tính Covid-19 chừng một tuần, chị bắt đầu đau tức ngực, tim hay đập dồn dập, mệt lả, mỏi tay chân, cảm giác khó thở nhẹ nhưng đo SpO2 vẫn đạt 95-98%. Ngoài ra, chị thấy chân phải từ bắp vế tới cổ chân đau và hơi sưng so với bên trái. Hỏi thăm một số người quen từng mắc Covid-19, chị được cho hay nhiều người cũng có triệu chứng tương tự. Nghe lời khuyên, chị đang uống vitamin, canxi, sắt và ăn uống bồi bổ cơ thể. Nếu không có chuyển biến tốt, chị Oanh dự tính sẽ đi tới bệnh viện thăm khám.
Còn anh Nguyễn Phú, 30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức đã đi khám hai lần ở một bệnh viện tư nhưng chưa tìm ra nguyên nhân thở hụt hơi, sốt bất thường trên 38 độ C trong suốt ba tháng sau khi khỏi Covid-19. Kết quả các lần xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm tim, chụp X-quang... đều bình thường, không có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nên bác sĩ nhận định "sốt và khó thở vô căn", tính vào hội chứng hậu Covid-19, anh Phú kể.
Cơn khó thở thường kéo dài 1-2 giờ, xảy ra khi anh bắt đầu nằm xuống giường. Ngày nào sốt thì khó thở hơn, kèm đau nặng ngực. "Bình thường thở được 100% thì lúc này cố lắm chỉ được 60-70%, cổ họng như bị bóp hẹp lại", Phú miêu tả. Bổ sung thêm vitamin, uống hạ sốt, tập thở mỗi ngày nhưng tình hình không cải thiện, vài lần trong tháng, anh phải xin nghỉ làm vì quá mệt mỏi.
"Mắc bệnh không mệt bằng chịu đựng di chứng lúc khỏi bệnh", anh nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tân (Trưởng khoa Tim mạch can thiệp cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất) cho biết nhiều bệnh nhân đang vật lộn với các di chứng hậu Covid-19, bao gồm tim mạch. Theo một nghiên cứu ở Anh, Covid-19 để lại hơn 200 di chứng lên các hệ cơ quan của cơ thể. Tùy theo sự tấn công của virus và cơ địa của mỗi người mà chúng thể hiện ra bên ngoài khác nhau. Đa số các bệnh nhân phải tái khám hoặc nhập viện đều mang nhiều di chứng. Trong đó tình trạng khó thở, đau tức ngực, hồi hộp, mệt mỏi như hai trường hợp trên - dấu hiệu của bệnh lý tim mạch khá thường gặp.
Theo bác sĩ Tân, các bệnh lý tim mạch xuất hiện hậu Covid-19 có thể là tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, tăng đông hình thành cục huyết khối gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch chi dưới... Thực tế ghi nhận những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tim mạch, người lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền hoặc mắc Covid-19 nặng, phải sử dụng nhiều loại thuốc, can thiệp hồi sức như thở máy, ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể)... có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch nhiều hơn.
Người bệnh có thể vượt qua được giai đoạn dương tính nhưng lại tử vong vì những biến chứng nặng nề hậu Covid-19. Ví dụ như khi đã xuất viện về nhà, di chứng tăng đông diễn tiến nặng lên, gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có khả năng tử vong, nhẹ hơn là tàn tật vĩnh viễn. "Khỏi Covid-19 không chắc đã an toàn", bác sĩ Tân nói.
Một nghiên cứu của Mỹ, đăng trên Nature hồi tháng 10/2021, khi so sánh nguy cơ biến chứng tim mạch ở hơn 151.000 cựu chiến binh sống sót sau nhiễm nCoV với 3,6 triệu đồng nghiệp không mắc bệnh, ghi nhận tỷ lệ người nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc biến chứng tim mạch trong 12 tháng đầu khỏi Covid-19 tăng lên.
Cụ thể, bệnh nhân Covid-19 không nhập viện có nguy cơ suy tim cao hơn 39%, nguy cơ hình thành cục máu đông (thuyên tắc phổi) tăng 2,2 lần trong năm tiếp theo - so với người không mắc bệnh. Như vậy, thế giới có thể ghi nhận thêm 5,8 ca suy tim và 2,8 ca thuyên tắc phổi trên 1.000 bệnh nhân Covid-19 không nhập viện. Ở nhóm người nhập viện vì Covid-19 có tỷ lệ ngừng tim cao gấp 5,8 lần, nguy cơ viêm tim hoặc viêm cơ tim cao gấp 14 lần. Ở bệnh nhân vào khu hồi sức tích cực, các con số cao hơn đáng kể. Gần một trong bảy người mắc một dạng bệnh tim nghiêm trọng trong vòng một năm sau khỏi Covid-19.
Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nghiên cứu về cơ chế gây bệnh hay chứng minh sự liên quan cụ thể giữa các bệnh lý tim mạch và di chứng hậu Covid-19. Do đó, bác sĩ Tân cho rằng, chưa thể khẳng định các bệnh lý tim mạch hoàn toàn là di chứng hậu Covid-19, có thể những di chứng Covid-19 chỉ thúc đẩy bệnh tim mạch có sẵn của bệnh nhân nặng hơn.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh gần đây cũng tiếp nhận điều trị một số trường hợp người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim, thuyên tắc động mạch phổi sau khi khỏi Covid-19 vài tuần đến vài tháng. Những bệnh nhân được người nhà phát hiện ở giai đoạn sớm, được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Song có trường hợp đột quỵ để lại di chứng yếu liệt nhẹ nửa người, cần tập luyện vật lý trị liệu lâu dài, bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Nội Tim mạch cho biết.
Hiện chưa có cách nào phòng tránh các di chứng hậu Covid-19, vì vậy tốt nhất là "không nhiễm bệnh - không di chứng", theo bác sĩ Tuấn. Nếu không may nhiễm bệnh và sau khi khỏi xuất hiện các dấu hiệu như: làm việc nhanh mệt, khó thở khi nằm, khi gắng sức, đau nặng ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều, phù chi dưới... thì cần đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hô hấp, phổi hoặc phòng khám hậu Covid-19 để được tầm soát. Riêng những bệnh nhân có tiền sử tim mạch thì bắt buộc phải tái khám sớm sau khi khỏi Covid-19.
Với dấu hiệu đau tức ngực, tim đập nhanh, phù chân của chị Oanh, bác sĩ Tuấn cho rằng có dấu hiệu nghi ngờ thuyên tắc tĩnh mạch chân. Thay vì tự đoán bệnh, tự chịu đựng hay điều trị ở nhà, chị phải đi khám ngay, tránh nguy cơ bệnh chuyển biến nặng. Còn trường hợp anh Phú nên làm các chẩn đoán chuyên sâu hơn như chụp CT scan phổi, đo chức năng hô hấp hoặc chụp MRI tim... để tìm ra nguyên nhân khó thở, sốt kéo dài mà những xét nghiệm thông thường không thấy rõ.
Thư Anh