PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa (giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP HCM) tại tọa đàm Cúm mùa và tầm quan trọng của việc tiêm ngừa cúm trong bối cảnh Covid-19, ngày 17/2, cho rằng ai cũng có thể nhiễm cúm và biến chứng do cúm mùa có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp, đến nay vẫn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Ở các nước vùng ôn đới, cúm mùa thường xảy ra vào mùa đông - xuân. Ở các nước vùng nhiệt đới như Việt Nam, cúm mùa quanh năm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận hàng năm có khoảng một tỷ ca cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca bệnh nặng. Cúm mùa là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới, lên đến 650.000 ca tử vong mỗi năm, tương đương mỗi phút có một người tử vong do cúm.
Số nhập viện và tử vong do cúm chủ yếu ở nhóm nguy cơ cao, bao gồm người trên 65 tuổi; người có bệnh lý nền mạn tính như tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD, đái tháo đường...; phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo bác sĩ Nghĩa, cúm mùa có thể gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, làm trầm trọng hơn bệnh lý đang có ở trẻ em. Bệnh góp phần làm suy giảm chức năng hoặc khiến cho người lớn tuổi không thể hồi phục như bình thường. Bệnh cũng có thể thúc đẩy, châm ngòi các đợt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não ở bệnh nhân xơ vữa động mạch, tăng gấp 10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người sức khỏe bình thường, tăng gấp 8 lần nguy cơ đột quỵ.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính (Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC), nhiều người nhầm lẫn gọi chung là bệnh cảm cúm mà không phân biệt cảm hay cúm, trong khi đây là hai bệnh khác nhau. Cả hai bệnh có một số triệu chứng tương tự như chảy mũi, nghẹt mũi, ho, đau họng. Các triệu chứng khác như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa thường xảy ra ở bệnh cúm, hiếm gặp hoặc không xuất hiện ở bệnh cảm.
"Bệnh cảm nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần. Trong khi đó, bệnh cúm gây nhiều biến chứng nguy hiểm, khả năng nhập viện và tử vong", bác sĩ Chính nói. Triệu chứng, tên gọi tương đồng nên nhiều người cho rằng bệnh cúm thường nhẹ, dẫn đến chủ quan không chú ý phòng bệnh, trong khi cúm đã có vaccine phòng ngừa.
Các cơ quan y tế lớn trên thế giới (WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo tiêm vaccine cúm hàng năm là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa nhiễm cúm và tránh các biến chứng nặng do cúm.
Theo bác sĩ Chính, đặc trưng của virus cúm là thay đổi rất nhanh, gồm nhiều type A, B, C. Để bảo đảm sự tương thích giữa chủng virus cúm thành phần vaccine và chủng virus cúm lưu hành trong thực tế, vaccine được nhà sản xuất cập nhật hàng năm dựa trên khuyến cáo về công thức của WHO, từ kết quả xác định biến chủng ở những phòng xét nghiệm thế giới. Do đó cần thiết tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm.
Việt Nam đang sử dụng vaccine cúm mùa tam giá (3 chủng - chứa kháng nguyên của hai phân type virus cúm A và một trong hai dòng virus cúm B) và vaccine cúm mùa tứ giá (4 chủng - chứa kháng nguyên của hai phân type virus cúm A và cả hai dòng virus cúm B). Theo các chuyên gia, virus cúm B rất khó dự báo chính xác nên vaccine cúm mùa tứ giá có thể bảo vệ rộng hơn đối với các dòng virus cúm B so với vaccine cúm mùa tam giá.
WHO cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, tiêm phòng cúm hàng năm rất quan trọng để đảm bảo khả năng miễn dịch của quần thể, giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm và Covid-19. Ngoài ra, tiêm ngừa cúm cũng giảm nguy cơ nhập viện do cúm, hạn chế quá tải hệ thống y tế vốn đang chịu nhiều áp lực do Covid-19, giảm số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm trong đó có cả cúm và Covid-19.
Lê Phương