Sáng 19/1, Sở Y tế TP HCM xác định 3 ca nhiễm Omicron cộng đồng từng đi ăn cùng người phụ nữ 41 tuổi, ngụ phường 17, quận Bình Thạnh, nhập cảnh từ Mỹ. Như vậy, đây là lần đầu tiên, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Omicron trong cộng đồng.
Trong bối cảnh các nước phải chiến đấu cùng lúc với nhiều loại biến chủng và cả virus cúm mùa, giới chuyên gia ráo riết nghiên cứu điểm khác biệt về triệu chứng của các bệnh đường hô hấp này. Những dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron lây lan nhanh, song ít khả năng khiến người bệnh chuyển nặng.
Triệu chứng
Giống với các biến chủng khác, Omicron vẫn thuộc dòng nCoV. Các triệu chứng hầu như không thay đổi quá nhiều. Cả Delta và Omicron đều khiến người bệnh có biểu hiện như sốt, ớn lạnh, ho, thở gấp hoặc khó thở, mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể, đau đầu, viêm họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, mất vị giác hoặc khứu giác, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Hiện chưa có hướng dẫn chính thức về các triệu chứng đặc thù sau nhiễm Omicron hoặc các biến chủng nhất định. Song từ báo cáo thực tế, các nhà khoa học vẫn chỉ ra một số điểm giúp phân biệt phiên bản của virus.
Theo nghiên cứu của Tim Spector, nhà dịch tễ học di truyền tại Đại học King's College London, biến chủng Delta thường gây đau đầu, đau họng và sổ mũi nhiều hơn.
Người nhiễm Omicron có biểu hiện giống cảm lạnh hơn. Theo dữ liệu sức khoẻ thu thập từ Nghiên cứu Zoe Covid, 5 triệu chứng phổ biến nhất sau nhiễm Omicron là chảy nước mũi, đau đầu, mệt mỏi, hắt hơi và đau họng.
"Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ bắt đầu ho nặng và khó thở", tiến sĩ Hai Shao, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Viện Chula Vista, cho biết trong buổi phỏng vấn với CBS, ngày 27/12/2021.
Bên cạnh đó, mất vị giác và khứu giác vẫn là triệu chứng đặc trưng giúp phân biệt nhiễm Omicron và cảm cúm, cảm lạnh hay kích ứng thông thường.
Cảm lạnh thường không gây sốt cao và đau đầu dữ dội. Song đây là triệu chứng chủ yếu ở người nhiễm Omicron. "Nếu có các biểu hiện đó, rất có thể bạn đã nhiễm Covid-19 chứ không phải cảm lạnh thông thường", tiến sĩ Shao nói.
Bệnh cúm thường kéo đến đột ngột, khiến người bệnh đau nhức cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, chảy nước mũi và kèm theo ho. Cảm lạnh có xu hướng phát triển dần dần và ít nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể bị ho, hắt hơi, sổ mũi, nhưng hiếm khi lên cơn sốt, đau cơ hoặc đau đầu.
Ho do Covid-19 thường kéo dài trong một giờ hoặc chia thành nhiều cơn trong ngày. Ở người bị phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), cơn ho nặng hơn bình thường. Các chuyên gia khuyến cáo người dân đi xét nghiệm nCoV nếu xuất hiện cơn ho mới, khác với trước đây, đồng thời dai dẳng nhiều ngày.
Mức độ nghiêm trọng
Các dữ liệu cho thấy Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn Delta. Nghiên cứu lớn nhất ủng hộ quan điểm này đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Các nhà khoa học đã khảo sát gần 70.000 bệnh nhân, trong đó 52.000 người nhiễm Omicron, hơn 16.000 người nhiễm Delta. Khi so sánh hai nhóm, họ phát hiện F0 nhiễm Omicron có tỷ lệ nhập viện thấp hơn 53%, tỷ lệ vào khu hồi sức tích cực (ICU) thấp hơn 74%, nguy cơ tử vong giảm 91%. Nghiên cứu cũng cho thấy không bệnh nhân nào phải thở máy.
Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng sau mắc Covid-19 giảm có thể do người dân tiêm vaccine ngày càng nhiều, không phải do bản thân Omicron có độc lực thấp. Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi tiêm chủng của New York Times, hơn 60% dân số toàn cầu đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, hơn 321 triệu người đã mắc và khỏi bệnh.
Nhiều chuyên gia thận trọng cho rằng Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta, đặc biệt là ở người đã tiêm chủng. Song họ cảnh báo không nên gọi biến chủng là "nhẹ". Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, cho biết: "Cũng giống với các biến chủng nCoV trước đó, Omicron đang gây ra nhiều ca nhập viện và tử vong".
Tỷ lệ nhập viện tại Mỹ tăng nhanh trong đợt bùng phát Omicron. Theo dữ liệu mới nhất từ CDC, trung bình nước này ghi nhận hơn 20.600 ca nhập viện mỗi ngày kể từ ngày 5/1 đến ngày 11/1. Theo tiến sĩ Joel Chua, trưởng khoa truyền nhiễm phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, số ca nhập viện tăng đột biến có thể do khả năng lây truyền của virus tăng lên.
Cộng đồng cần làm gì?
Theo các chuyên gia, các biến chủng nCoV có thể khác nhau về triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, khả năng lây truyền, song chúng vẫn là mầm bệnh Covid-19 nói chung. Đại dịch đã gây thiệt hại lớn đến toàn cầu trong hai năm vừa qua.
Cộng đồng nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa đã được chứng minh hiệu quả trước đó, bao gồm tiêm vaccine, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách với người đang nhiễm virus, chủ động báo cáo và cách ly nếu mắc bệnh.
Trong bối cảnh Omicron hoành hành, tiêm liều vaccine tăng cường rất quan trọng. Đây là trọng tâm chính trong chiến lược đối phó với biến chủng mới. Tiến sĩ Chua nói: "Hãy tiêm vaccine và cả liều tăng cường nếu đủ điều kiện. Hãy đeo các loại khẩu trang có độ lọc cao như KN95".
CDC cũng ủng hộ quan điểm này. Ngày 5/1, cơ quan mở rộng điều kiện tiêm tăng cường cho người từ 12 đến 15 tuổi, cho phép nhóm này tiêm bổ sung 5 tháng sau liều thứ hai để chống biến chủng Omicron. Ngày 14/1, cơ quan cũng cập nhật hướng dẫn phòng ngừa Covid-19 trên trang web chính thức, cho biết một số loại khẩu trang (như khẩu trang vải) có độ bảo vệ thấp hơn các khẩu trang chuyên dụng (như N95).
Thục Linh (Theo Health, NBC)