Hôm 23/11, hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford thông báo vaccine ChAdOx có hiệu quả 90% tùy thuộc vào từng liều lượng. Đây là "ứng viên" thứ ba cho thấy kết quả khả quan trong thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn. Dù không hiệu quả như sản phẩm của hai đối thủ là Moderna và Pfizer, vaccine Oxford có giá thấp, dễ vận chuyển và bảo quản hơn.
Mức bảo vệ của vaccine dao động 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm. Có hai liệu trình vaccine khác nhau trong thử nghiệm. Ở phác đồ một, tình nguyện viên nhận một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%. Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70%.
Thử nghiệm có sử dụng nhóm đối chứng và giả dược là vaccine viêm màng não. Điều này nằm đảm bảo các tình nguyện viên không tiêm ChAdOx vẫn có các phản ứng phụ thường gặp như sốt nhẹ, đau cơ, nhức bắp tay. AstraZeneca đưa ra phân tích ban đầu sau khi 131 tình nguyện viên nhiễm nCoV. Theo công ty, không ai trong số họ phát triển triệu chứng bất thường hay cần nhập viện.
Vaccine Oxford được điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus cảm cúm vô hại (adenovirus) từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus chứa các gene từ nCoV. Khi tiêm vào tế bào người, chúng tạo ra protein giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này.
Đến nay các loại vaccine Covid-19 được phát triển dựa vào công nghệ vector bao gồm Sputnik-V của Viện Gamaleya (Nga), Adenovirus 26 của Johnson & Johnson (Mỹ) và Ad5 của CanSino (Trung Quốc).
Hiện chưa loại vaccine từ vector virus nào được chấp thuận chính thức, kể cả Sputnik được Nga phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Song cách tiếp cận này đã được nghiên cứu trước đó đối với virus gây bệnh MERS.
Thời điểm Covid-19 xuất hiện, nhóm các nhà khoa học tại Viện Jenner của Đại học Oxford có một khởi đầu thuận lợi. Khi Trung Quốc công bố mã di truyền của nCoV hồi tháng 1, họ đã tăng tốc để điều chỉnh nền tảng của mình và bắt đầu thử nghiệm trên động vật.
Tháng 4, Oxford trở thành đối tác phát triển và sản xuất với AstraZeneca. Thử nghiệm an toàn ở Anh bắt đầu ngay sau đó.
Tháng 5, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đã cam kết tài trợ 1,2 tỷ USD cho việc phát triển và sản xuất vaccine của Oxford/AstraZeneca. Đổi lại, hãng sẽ cung cấp ít nhất 300 triệu liều tiêm nếu có hiệu quả. Alex M. Azar II, thư ký HHS, gọi thỏa thuận này là "mốc quan trọng" trong Chiến dịch Thần tốc của chính phủ.
Thông thường, các loại vaccine cần được bảo quản trong "dây chuyền lạnh" để giữ thành phần hoạt tính nguyên vẹn và ổn định khi đến tay bệnh nhân. Đây là thách thức rất lớn, bởi nhiều nơi trên thế giới vẫn thiếu cơ sở hạ tầng để thực hiện điều này.
Vaccine Oxford có thể lưu trữ lâu dài ở mức nhiệt 2-8 độ C, nhiệt độ của tủ lạnh thông thường. Trong khi đó, vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna đều yêu cầu nhiệt độ thấp hơn nếu muốn bảo quản lâu, lần lượt là -70 độ C và -20 độ C.
Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo về thách thức của việc xây dựng mạng lưới phân phối trên toàn thế giới, đặc biệt vào thời điểm ngân sách ở nhiều nơi bị thắt chặt. Dù vậy, các tổ chức như Unicef, WHO đang đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo những nước thu nhập thấp tiếp cận được với vaccine.
Thục Linh (Theo Financial Times)