"Mũi xoang giống như hệ thống siêu lọc để bảo vệ cơ thể, bảo vệ đường hô hấp dưới. Bộ phận này còn có chức năng làm ấm, làm ẩm và làm sạch không khí kể cả vi khuẩn, virus trước khi vào phổi", bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó chủ nhiệm bộ môn Tai Mũi Họng của Khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói.
95% hạt dịch tiết chứa virus lọt vào hốc mũi sẽ bị niêm dịch trong hốc mũi bắt lại, dẫn xuống họng sau đó được nuốt xuống dạ dày rồi bị tiêu diệt.
Vì vậy trong giai đoạn dịch bệnh, người dân nên gìn giữ mũi xoang khỏe mạnh bằng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý đúng cách ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối hoặc sau khi tiếp xúc với khói, bụi và tiếp xúc nơi đông người.
Theo bác sĩ Hải, tác nhân virus và vi khuẩn nói chung hiếm khi đi thẳng vào phổi mà thường gây bệnh ở đường hô hấp trên trước. Chúng tấn công niêm mạc mũi rồi gây viêm với triệu chứng nghẹt và chảy nước mũi rất nhiều. Đây là triệu chứng nhưng bản chất là phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm tống nhanh nhất có thể tác nhân gây bệnh ra ngoài.
Người bệnh viêm đường hô hấp trên cần được hỗ trợ cho quá trình nói trên bằng cách làm rộng hốc mũi, mở lỗ thông mũi xoang bằng thuốc co mạch 2 lần/ngày kết hợp rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi giờ kèm theo súc họng. Người bệnh không nên dùng thuốc có chất giảm tiết theo đường toàn thân để tránh làm dịch này keo lại, khiến virus, vi khuẩn tồn tại lâu hơn trong hốc mũi xoang làm cho bệnh kéo dài hơn.
Khi niêm dịch tăng tiết nhiều, chảy qua cửa mũi sau xuống họng, vượt qua thành họng sau và chảy vào miệng thanh quản, cơ thể sẽ xuất hiện triệu chứng tiếp theo là ho lộc khộc từng tiếng, nhằm ngăn không cho dịch tiết chứa virus, vi khuẩn thâm nhập đường hô hấp dưới.
Giai đoạn này, người bệnh lưu ý không được giảm ho bằng bất kỳ biện pháp nào vì giảm ho sẽ làm dịch chứa virus, vi khuẩn xâm nhập vào đường thở dưới (thanh, khí, phế quản, phổi) gây ra viêm thanh, khí, phế quản và phổi.
Chi Lê