Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sáng 31/1 công bố kết quả giải trình tự gene "bệnh nhân 1442", 25 tuổi, quốc tịch Nam Phi, nhiễm biến thể nCoV từ Nam Phi.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đây là trường hợp nhiễm chủng nCoV Nam Phi đầu tiên tại Việt Nam. Kết quả giải trình tự gene cho thấy chủng virus trong mẫu bệnh phẩm trùng khớp với biến thể nCoV mới.
Biến thể Nam Phi (501.V2 hay B.1.351) mang ba đột biến (E484K, K417N và N501Y) tại các vùng quan trọng của gene - nơi tạo ra protein gai dùng để gắn vào tế bào người. Trong đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus.
"Như vậy, nó giúp nCoV vượt qua hàng rào miễn dịch sinh ra bởi vaccine", Francois Balloux, giáo sư sinh học, Đại học College London, cho biết.
Lawrence Young, chuyên gia virus tại Trường Y Warwick, Đại học Warwick, giải thích: "Trong khi những thay đổi của biến thể ở Anh không ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine, sự tích tụ nhiều đột biến trong biến thể ở Nam Phi gây lo ngại, bởi chúng có thể giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch".
Vaccine của J&J cho hiệu quả 72% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối tại Mỹ, song con số này giảm xuống còn 57% khi gặp biến thể Nam Phi. Novavax trải qua tình trạng tương tự, độ bảo vệ của các liều tiêm giảm từ 89% xuống còn 49%. Ngay cả trước khi có kết quả này, các thử nghiệm cũng cho thấy vaccine kém hiệu quả hơn với B.1.351.
Hôm 18-1, sau quá trình khảo sát dữ liệu thu thập từ các ổ lây nhiễm chính ở Nam Phi, giáo sư dịch tễ học Salim Abdool Karim, đồng chủ tịch hội đồng khoa học thuộc Bộ Y tế Nam Phi, cho biết biến thể mới có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với chủng cũ. Nhà dịch tễ Tulio de Oliveira đứng đầu phòng thí nghiệm Krisp ở Nam Phi cũng nhận định "chưa từng thấy dòng virus nào lây lan nhanh như vậy".
Biến thể nCoV tại Nam Phi khó bị phát hiện trong xét nghiệm PCR hơn. Giáo sư Young đề xuất Anh siết chặt các biện pháp hạn chế ở biên giới, ngăn chặn virus xâm nhập vào lãnh thổ nước này.
Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết: "Giờ đây, các kết quả lâm sàng đang đi vào thực tế. Chúng ta sắp đối mặt với thử thách lớn".
Trong cuộc họp ngắn hôm 29/1, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky cho biết Mỹ đang yêu cầu mỗi bang gửi ít nhất 750 mẫu bệnh phẩm mỗi tuần để giải trình tự gene, xác định biến thể nào đang lưu hành trong đất nước.
"Cứ mỗi khi ai đó có triệu chứng, được xét nghiệm, có kết quả dương tính, chúng tôi mới nhận được trình tự gene virus. Như vậy, cơ hội để kiểm soát ca nhiễm thực tế và truy vết tiếp xúc không còn nữa. Chúng ta nên xử lý mọi trường hợp dương tính như đây là một biến thể", Walensky nói.
Biến thể Nam Phi đã lan rộng ra khắp châu Phi và xuất hiện ở ít nhất 24 quốc gia khác bên ngoài lục địa. Nhiều nước ngăn chặn sự lây lan của nó bằng biện pháp hạn chế đi lại, phong toả diện rộng. Tuy nhiên lịch sử cho thấy điều này gần như là bất khả thi.
Eric Topol, giám đốc Viện nghiên cứu Scripps Translational ở San Diego, nhận định: "Hiệu quả của cách làm này đang giảm rõ rệt".
Khi Covid-19 đã tồn tại trên trái đất hơn một năm, thế giới cần chuyển hướng chú ý tới loại vaccine nhắc lại mới, đã được tinh chỉnh, hoạt động tốt hơn trên cả biến thể Nam Phi và Anh.
Các nhà khoa học cảnh báo B.1.351 có thể khiến cuộc chiến của nhân loại với Covid-19 kéo dài hơn rất nhiều. Các loại vaccine thế hệ đầu có khả năng không còn hoạt động tốt trong tương lai, buộc giới khoa học tinh chỉnh hoặc phát minh sản phẩm mới. Nó cũng có thể biến Covid-19 thành một mầm bệnh theo mùa, như cúm, cần tiêm chủng nhắc lại hàng năm.
Biến thể Nam Phi lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó đã xuất hiện và lưu hành kể từ tháng 8, sau đó lan rộng khắp khu vực, bao gồm Cape Town - một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Thục Linh (Theo SCMP)