Hơn 12h trưa 10/7, ba tiếng sau khi hẹn điện thoại và tranh thủ lúc nghỉ ăn cơm trưa, bác sĩ Hiếu Hạnh, đang tham gia hỗ trợ điều trị tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 (khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) mới có thời gian chia sẻ với VnExpress về tình hình bệnh viện.
Anh cho biết những ngày qua anh chị em nhân viên y tế phải vừa điều trị, vừa từng bước hoàn thiện dần khu điều trị để có một nơi tương đối chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Từ một khu chung cư trống chuyển đổi thành nơi điều trị Covid-19, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn.
"Hiện bệnh viện chưa có giường bệnh. Người bệnh và nhân viên y tế phải sử dụng các ghế bố để điều trị và nằm nghỉ ngơi", bác sĩ Hạnh chia sẻ.
Trong một hai ngày đầu hoạt động từ 7/7, số bệnh nhân nhập viện tăng liên tục, khó dự đoán, nên có lúc chưa chuẩn bị đủ suất cơm cho bệnh nhân mới. Sau 4 ngày đi vào hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 2.400 bệnh nhân trên tổng công suất 3.000. Mỗi bữa, các lực lượng dân quân hỗ trợ phải chuẩn bị 3.000 suất cơm phân phát cho bệnh nhân và nhân viên y tế. "Số lượng dân quân ít nên rất vất vả", anh cho biết.
Ngoài ra, vấn đề lo ngại tại bệnh viện là quá tải điện năng. Nguồn điện chủ yếu đang được sử dụng cho sinh hoạt của bệnh nhân và công tác điều trị. Mọi người bảo nhau cố gắng tiết kiệm điện, sử dụng hợp lý để tránh tình trạng quá tải.
Bệnh viện số 4 chủ yếu điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng, không có bệnh lý nền do đó chưa cần sử dụng máy thở. Tuy nhiên so với những ngày đầu thì hiện nay số trường hợp F0 cần hỗ trợ thở oxy tăng lên nhiều hơn. Các bệnh nhân nặng lên sẽ được chuyển đến các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng.
"Hiện mỗi ngày có khoảng 20-30 bệnh nhân Covid-19 trở nặng được chuyển đi. Tỷ lệ khoảng 1%", bác sĩ Hạnh cho biết.
Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 1 cho biết, bệnh viện dã chiến số 1 được trưng dụng từ ký túc xá Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, thuộc Đại học Quốc gia TP HCM. Hai tháng qua bệnh viện số 1 là khu cách ly tập trung, thu dung các trường hợp F1, người đến từ vùng dịch tễ... Đến ngày 26/6, khu này được chuyển đổi công năng một lần nữa, tăng cấp thành bệnh viện thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Bác sĩ Lê Văn Phương, phó giám đốc Trung tâm y tế TP Thủ Đức, phụ trách bệnh viện, cho biết đã tiếp nhận khoảng 4.500 bệnh nhân, sử dụng hết số giường được giao. Tổng số nhân viên y tế, dân quân tự vệ, nhân viên vệ sinh... làm việc trong bệnh viện là gần 450 người. Nhân viên bệnh viện được chia thành các ca trực, mỗi ngày họ di chuyển hàng chục lượt tới các phòng bệnh, để đo nhiệt độ, thăm khám, phát cơm, đưa đồ tiếp tế từ gia đình người bệnh, hoặc hỗ trợ các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất.
Theo bác sĩ Phương, các điều kiện điều trị tối thiểu bệnh viện cung cấp cho người bệnh đã đạt, như đồ ăn, thức uống, chỗ ngủ, chăm sóc y tế... Mỗi bệnh nhân có tiêu chuẩn hai lít nước uống mỗi ngày, nhưng đang mùa nắng nóng, một số bệnh nhân có nhu cầu nước uống cao hơn. Để người dân thoải mái, yên tâm điều trị, bệnh viện cố gắng cung cấp đủ nước theo nhu cầu của người bệnh. Khu vực điều trị của Bệnh viện số 1 gồm 20 block, mỗi block cao 4 tầng, tuy nhiên chỉ có một block có thang máy, còn lại dùng thang bộ. Nhân viên bệnh viện phải vác các thùng nước nặng 20 kg lên thang bộ đến từng tầng, phòng.
"Đương nhiên là rất vất vả, nhưng đã làm hai tháng rồi nên chúng tôi cũng đã quen, cũng ổn", bác sĩ Phương nói.
Thu dung và điều trị tới 4.500 người nhiễm, bác sĩ Phương thấy may mắn nhất là đến nay các bệnh nhân tương đối khoẻ mạnh, không cần trợ giúp y tế nhiều. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp bệnh nhân diễn tiến nặng, bị suy hô hấp, khó thở... song các bác sĩ đều xử trí kịp thời.
Tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 (chung cư tái định cư trên đường B, phường Tân Thới Nhất, quận 12), bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, phụ trách bệnh viện, cho biết công suất điều trị tại đây đã gần đạt 2.500 giường sau 6 ngày hoạt động.
Với lượng bệnh nhân quá lớn, nhiều đêm nhân viên đã thức trắng để tiếp nhận, phân luồng, hướng dẫn bệnh nhân. Họ khá mệt vì cường độ, áp lực làm việc lớn, song các y bác sĩ, nhân viên đều đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn. Hiện, hơn 200 nhân sự vận hành bệnh viện số 2 được huy động nhiều nguồn lực từ các cơ sở y tế trong thành phố.
Bệnh viện số 2 được trưng dụng từ khu chung cư chưa sử dụng, có một số phòng bị trục trặc về nước sinh hoạt, do đó, hiện bệnh viện không nhận thêm người nhiễm Số lượng bệnh nhân nhiều, sắp xếp giường bệnh không phù hợp nên bệnh viện dùng ghế xếp. Các y bác sĩ luôn cố gắng tạo điều kiện sinh hoạt và điều trị tốt nhất cho người bệnh, ông Dũng chia sẻ.
"Các bệnh viện điều trị Covid-19 bây giờ đang tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân mỗi ngày. Chúng tôi kêu gọi và hy vọng người dân hạn chế tối đa việc ra đường, chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, tránh lây nhiễm Covid-19", bác sĩ Dũng nói.
Bác sĩ Hữu Phú, đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đang hỗ trợ tại bệnh viện số 2 cho biết đoàn của anh có 33 y bác sĩ được chia thành 10 đội. Mỗi đội gồm một bác sĩ, hai điều dưỡng, phụ trách một khu nhà điều trị bệnh nhân Covid-19. Dự kiến ngày 12/7 mới tiếp nhận bệnh nhân, tuy nhiên số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nên các anh nhận bệnh sớm hai ngày.
Theo bác sĩ Phú, hiện các nhân viên y tế và lực lượng dân quân hỗ trợ luôn phải làm việc cật lực để tiếp nhận bệnh nhân. Chiều 9/7, một đội gồm ba y bác sĩ nhận hơn 100 bệnh nhân Covid-19 chuyển vào, thức trắng đêm mới hết việc. Trước tình hình bệnh nhân tăng, một đoàn chi viện khác của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM sẽ tiếp tục xuống hỗ trợ từ đầu tuần tới.
Các nhân viên y tế được bố trí nghỉ ngơi sau ca trực tại một trường mầm non gần bệnh viện số 2. Thiếu giường nệm, họ trải tạm chiếu ra sàn lớp nằm.
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 (khu nhà tái định cư ở thành phố Thủ Đức) cho biết qua 4 ngày hoạt động, hiện bệnh viện đã nhận 1.500 bệnh nhân Covid-19 trên quy mô 3.000 giường. Trong những ngày đầu tiên có rất nhiều khó khăn, áp lực, đặc biệt trong thời gian ngắn phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân khi cơ sở điều trị chưa được hoàn thiện. Lực lượng dân quân hỗ trợ mỏng, các nhân viên y tế, khoảng 120 người, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ như khuân vác, di chuyển đồ đạc, hỗ trợ tổng vệ sinh...
"Vấn đề suất ăn cho bệnh nhân cũng có nhiều khó khăn, khi số bệnh nhân phát sinh thì bệnh viện không chuẩn bị kịp. Các nhân viên phải chạy đi mua bánh bao, bánh mỳ, mỳ gói....cho bệnh nhân ăn tạm. Do đó, các đơn vị cơ sở khi chuyển bệnh nhân cũng nên lưu ý chuẩn bị suất ăn cho bệnh nhân", bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện, cho biết.
Bệnh viện vẫn đang vừa phải tổng dọn vệ sinh vừa đón bệnh nhân tiếp tục nhập viện.
"Đến sọt rác cũng phải mua từng đợt chứ mua một lúc cả ngàn cái thì không có. Chúng tôi khắc phục dần các khó khăn, nhưng đến nay cơ bản cũng quen với nhịp điều trị bệnh nhân Covid-19, mọi thứ dần ổn định", bác sĩ Khanh cho biết.
Trong kế hoạch ứng phó với kịch bản 10.000 và 15.000 ca bệnh, TP HCM xây dựng mô hình điều trị bệnh nhân Covid-19 theo hình tháp ba tầng. Trong đó tầng thứ nhất là các bệnh viện dã chiến, tiếp nhận bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng. Từ cuối tháng 6, bốn bệnh viện đã được thiết lập với tổng số giường là 12.000.
Lê Cầm - Anh Thư