Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ sáu, 17/1/2020, 07:15 (GMT+7)

10 cây cảnh không tốt với trẻ nhỏ

Lá, thân, một số bộ phận của cây loa kèn đỏ, môn kiểng, thường xuân, hồng môn... có thể gây ngộ độc nếu trẻ hít mùi hương hay nhai phải.

Hoa loa kèn đỏ hay còn có tên khác là hoa huệ tây đỏ. Đây là loài hoa có màu hồng, trắng hoặc đỏ. Tuy không rực rỡ như các loài hoa khác nhưng có hương thơm ngát, thanh khiết nên được trồng nhiều trong nhà.
Tuy nhiên, trẻ nhỏ ăn phải củ hoa có thể gây kích ứng niêm mạc và làm sưng lưỡi và môi. Ngoài ra phấn hoa cũng có thể gây mẫn cảm với trẻ, dị ứng, viêm mũi, chảy nước mũi, ngứa mắt, hắt hơi, thậm chí khó thở. Ảnh: iStock

Cây môn kiểng (môn cảnh) hay còn gọi cây môn lá đỏ, môn đốm có tên khoa học Caladium biccolor. Đây là loài cây có nguồn gốc từ Brazil và quần đảo Tây Ấn Độ. Đặc điểm nhận dạng, cây môn kiểng không có thân trên mặt đất, lá và cụm hoa được mọc ra trên một cuống dài 15-30 cm phát sinh trực tiếp từ thân củ ngầm. Lá hình khiên rộng, có mũi ở đỉnh, gốc chia thùy sâu dạng tim, tròn.

Lá loại cây này có thể gây kích thích niêm mạc và sưng lưỡi, môi. Trong trường hợp nuốt phải, trẻ sẽ bị tiêu chảy và nôn mửa. Nếu dính vào mắt, loại cây này có thể làm hỏng giác mạc của trẻ. Ảnh: Tropicsathome.

Cây vạn niên thanh là cây cảnh mang đến tài lộc, may mắn và giúp thanh lọc không khí. Nó có tên khoa học là Dieffenbachia Amoena, thuộc họ thực vật Araceae (họ ráy) có hoa, cây có nguồn gốc xuất xứ từ Colombia, Brazil. Đặc điểm của cây vạn niên thanh là cây thảo sống nhiều năm, rễ mập, ngắn, có nhiều đốt, trên đốt có nhiều rễ con. Lá mọc từ rễ cây rộng 3,5-6 mm, mép nguyên, mặt trên xanh lục, mặt dưới màu lục nhạt.

Trẻ ăn phải loại lá cây này sẽ bị bỏng và sưng miệng, thậm chí có thể dẫn đến nôn mửa. Ảnh: iStock.

Cây thường xuân còn có tên khoa học là Hedera helix, một trong những loại thực vật thuộc chi dây thường xuân. Loại cây này có nguồn gốc ở châu Âu và Tây Âu. Thân cây có nhiều đốt và ở mỗi đốt sẽ có lá, rễ phát triển giúp cây bám chắc hơn. Đối với các cành non thường có lông phủ dạng vảy. Lá cây màu xanh, khi nhỏ có màu nhạt và càng trưởng thành màu sắc càng đậm.

Ăn quả thường xuân có thể gây bỏng cổ họng, đôi khi dẫn đến sốt hoặc phát ban. Ảnh: iStock.

Hồng môn là loài cây sống lâu năm, có thân ngắn, thường mọc thành bụi. Lá có phiến xanh hình tim, dài 18-30 cm và rộng 9-15 cm. Cuống lá hình ống trụ, có thể dài tới 30-40 cm. Hoa dạng phiến nở rộng hình tim, có màu đỏ ngọc. 

Trẻ ăn phải lá cây này sẽ có cảm giác đau rát dữ dội trong miệng, gây sưng, khàn giọng và khó nuốt. Ảnh: iStock

Cây trúc đào có tên khoa học là Nerium oleander. Hoa trúc đào có dáng đẹp, nhiều màu sắc như trắng, hồng nhạt, hồng đậm hoặc hơi đỏ cam, đỏ tía, hoa đơn hoặc hoa kép.

Tất cả các bộ phận trên cây này đều độc hại. Trẻ chỉ cần nuốt phải một chiếc lá cũng có thể gây tử vong hoặc rối loạn chức năng tim. Ảnh: Spruce.

Cây lan ý là một loại cây phong thủy có tên tiếng Anh là Peace Lily, tên khoa học là Spathiphyllum. Là loài cây thuộc họ Araceae, mọc ở xứ nóng. Lá cây to, dài, khoảng 12-65 cm, rộng 3-25 cm tính từ phần cuống lá. Lá lan ý hình bầu dục, ngọn hơi rủ xuống, màu xanh thẫm, bóng, mặt trên nổi gân và màu thường nhạt hơn.

Nuốt phải các bộ phận cây này sẽ bị đau rát và sưng miệng. Ảnh: iStock.

Cây trạng nguyên là cây bụi, có nhiều giống loài khác nhau. Hoa trạng nguyên thường có màu đỏ, ngoài ra còn có màu trắng, màu hồng.

Tuy nhiên, nhựa cây có chứa chất độc, gây buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa và khó chịu nếu nuốt phải. Thậm chí, chỉ cần chạm vào nhựa cây cũng có thể gây kích ứng nghiêm trọng cho làn da. Ảnh: iStock.

Cây trầu bà có đặc điểm là cây thân thảo dạng leo, lá đơn, gốc lá hình tim, thuôn dài ở đỉnh, có loại xanh toàn phần, có loại có những đốm vàng trên lá, vàng nằm rải rác trên phiến lá, cụm hoa dạng mo, cuống ngắn, bò dài hoặc buông thõng xuống trên các chậu treo. 

Loại cây này sẽ gây bỏng và sưng miệng nếu trẻ nhỏ nuốt phải. Ảnh: Amazon.

Cây kim tiền có lá kép dạng to, cuống lá ngắn, phiến lá dầy màu xanh thẫm, sáng bóng, rất đẹp, một cây thường có tuổi thọ 2-3 năm.

Có một số tranh luận về việc kim tiền gây độc hại. Cụ thể là trong cuống và lá của cây kim tiền có chứa nhiều tinh thể canxi oxalat. Chất này có thể gây kích thích các phần da nhạy cảm như: niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng hoặc kết mạc mắt nếu như ăn nhầm hoặc chạm phải dịch do cây tiết ra. Chính vì thế, cây kim tiền được cho là loại cây không an toàn đối với trẻ em. Ảnh: winstonflowers.

Minh Ngân (Theo Dengarden)