Các phản ứng thông thường này là sốt, đau vết tiêm, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi... Riêng 3 trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm gồm hai học sinh (một nam một nữ) ở Bắc Giang và một nữ sinh tại Hà Nội, theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 30/11.
Trong đó, học sinh nam ở Bắc Giang có dấu hiệu khó thở ngay sau khi tiêm, được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), song không qua khỏi. Nữ sinh còn lại tiếp tục được bệnh viện này điều trị, hiện chưa qua nguy kịch. Trường hợp nữ sinh ở Hà Nội tử vong hôm 28/11, sau một ngày tiêm.
Về nguyên nhân tử vong của hai em này, Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng (họp ngày 29/11) xác định là phản ứng phản vệ độ 4 (cơ thể phản ứng quá mức với vaccine Covid-19), không liên quan đến chất lượng vaccine và thực hành tiêm chủng.
Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi triển khai từ tháng 11 trên cả nước, dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này, sử dụng 18 triệu liều vaccine Pfizer. Một số tỉnh hiện tỷ lệ tiêm đạt trên 60% số người 12-17 tuổi như: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Bộ Y tế đã cấp phép vaccine Pfizer tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, sử dụng tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên; liều lượng 0,3 ml mỗi liều, tiêm bắp, lịch tiêm gồm hai mũi, khoảng cách giữa hai mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).
Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ ở Việt Nam thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước nhóm 16-17 tuổi, hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, tỷ lệ mắc Covid-19 cao, có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao, được ưu tiên tiêm trước.
Bà Dương Thị Hồng, Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia hướng dẫn các địa phương tổ chức tiêm cho trẻ theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Trẻ đang đi học được lập danh sách theo lớp, tiêm trước cho nhóm học sinh phổ thông trung học từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7. Trẻ không đi học được lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu.
Hầu hết quốc gia đã có chỉ định tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em. Tại Mỹ, vaccine Pfizer được tiêm chủng cho trẻ 5-17 tuổi. Tại châu Âu, vaccine tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là Pfizer, Moderna. Tại Trung Quốc, Indonesia, trẻ 3-17 tuổi được tiêm bằng Sinovac. UEA tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ em.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine Pfizer cho người từ 18 tuổi trở lên, với tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 17,2 triệu, trong đó mũi một là 8,9 triệu và mũi 2 là 8,2 triệu liều. Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, các phản ứng thông thường sau tiêm chủng được ghi nhận tương tự như khuyến cáo của nhà sản xuất, có 60 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được báo cáo (tỷ lệ 3,4 trên một triệu liều vaccine sử dụng), hầu hết là phản ứng phản vệ độ 2.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ghi nhận phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim ở người tiêm vaccine công nghệ mRNA (như vaccine của Pfizer), theo bà Hồng. Tình trạng này gặp ở nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ nữ một trường hợp trên một triệu liều tiêm, còn tỷ lệ ở nam là 6-10 trường hợp trên một triệu liều tiêm. WHO và Bộ Y tế đã có hướng dẫn xử trí những tình huống này. Nguy cơ phản ứng viêm cơ tim khi tiêm mũi hai cao hơn mũi một 3-6 lần do cơ thể phản ứng viêm đáp ứng miễn dịch, một số địa bàn ghi nhận tỷ lệ gấp 10 lần so với tiêm mũi một.
Tổng số liều Việt Nam đã tiêm là 122 triệu (tất cả loại vaccine), trong đó tiêm mũi một là hơn 70 triệu, tiêm mũi hai là 50 triệu liều, độ bao phủ đạt 70% người trên 18 tuổi đủ hai mũi vaccine.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trẻ em 12-15 tuổi khi tiêm vaccine Pfizer có thể gặp phải những phản ứng phụ tương tự người từ 16 tuổi trở lên. Các tác dụng phụ này được đánh giá là thường gặp, không nguy hiểm và cho thấy vaccine đang kích hoạt hệ thống miễn dịch.
Phản ứng sau tiêm được chia thành tác dụng tại vị trí tiêm (đau, đỏ, sưng tấy), toàn thân (mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, sốt, đau khớp, buồn nôn...).
Bên cạnh những phản ứng thông thường, giới chuyên gia lo ngại nguy cơ bị viêm cơ tim ở trẻ khi tiêm vaccine Covid-19. Theo Mayo Clinic, triệu chứng của viêm cơ tim sau tiêm là tức ngực, khó thở, cảm giác tim đập nhanh...
Trong khi đó, nhóm tác giả từ Israel công bố nghiên cứu hôm 16/10 cho thấy tỷ lệ bị viêm cơ tim sau tiêm vaccine ở Israel cao nhất trong nhóm nam giới 16-19 tuổi (13,6%). Khoảng 11/100.000 nam giới có dấu hiệu sau vài ngày được tiêm chủng.
Riêng về phản vệ sau tiêm, theo một nghiên cứu công bố trên JAMA, các nhà khoa học phân tích dữ liệu của gần 10 triệu liều vaccine mRNA từ 14/12/2020 đến 18/1/2021 ở Mỹ. Họ ghi nhận 66 ca sốc phản vệ, tính trung bình xác suất sốc phản vệ là 4,7 ca trên một triệu liều vaccine Pfizer. Các nhà nghiên cứu không ghi nhận ca tử vong nào từ sốc phản vệ sau 10 triệu liều vaccine.