Nguyên nhân nam sinh trường THPT Sơn Động số 2 tử vong sau tiêm vaccine Pfizer được Sở Y tế Bắc Giang công bố chiều 29/11.
Trước đó, nam sinh không có tiền sử bệnh tật hoặc dị ứng. Hôm 24/11, khoảng 20 phút sau tiêm, em mệt mỏi, choáng váng, mạch 89 lần/phút, huyết áp 130/80 mmHg, tức ngực, khó thở nhiều. Trung tâm Y tế Sơn Động cấp cứu song diễn biến nặng nhanh, em ngừng tuần hoàn (tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, phổi...). Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đã cấp cứu, chẩn đoán nam sinh bị "phản vệ độ 4 sau tiêm vaccine Pfizer".
Đến 23h48 ngày 24/11, em được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu. Bệnh viện Bạch Mai cũng chẩn đoán phản vệ độ 4, can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi ngoài cơ thể) và lọc máu. 4 ngày điều trị tại viện, bệnh nhân luôn trong tình trạng nặng, duy trì chạy ECMO, lọc máu. Trưa 28/11, em tử vong do bệnh nặng, suy đa tạng không hồi phục.
Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Bắc Giang đã phân tích các yếu tố dựa trên báo cáo điều tra, hồ sơ bệnh án, giấy tờ lưu có liên quan, kết luận nguyên nhân nam sinh diễn biến nặng là phản vệ độ 4 do phản ứng quá mẫn của cơ thể với vaccine Covid-19 (Pfizer); loại trừ nguyên nhân do chất lượng vaccine, thực hành tiêm chủng.
Cũng bị phản vệ nặng sau khi tiêm vaccine hôm 24/11 tại huyện Sơn Động còn nữ sinh 16 tuổi. Em đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện chưa được cai ECMO, tiếp tục tiên lượng nặng. Hai học sinh khác bị phản ứng nhẹ hơn, đã được xuất viện về theo dõi tại nhà.
Hôm 28/11, một học sinh lớp 9 tại Hà Nội cũng tử vong sau một ngày tiêm vaccine Pfizer. Hội đồng chuyên môn, Sở Y tế Hà Nội chiều nay họp để đánh giá nguyên nhân tử vong, kết quả chưa được công bố.
Trả lời VnExpress chiều 29/11, đại diện Công ty Pfizer tại Việt Nam cho biết "đã được thông tin về các trường hợp tác dụng bất lợi ở Bắc Giang và Hà Nội".
"Chúng tôi theo dõi rất chặt chẽ tất cả báo cáo về các phản ứng bất lợi (bao gồm cả nghiêm trọng và không nghiêm trọng) sau khi tiêm chủng và thu thập nhữngthông tin liên quan để chia sẻ với cơ quan quản lý địa phương và toàn cầu", đại diện Pfizer Việt Nam chia sẻ.
Người này cũng cho hay dựa trên các giám sát và đánh giá an toàn đang được thực hiện bởi Pfizer, BioNTech (đối tác của Pfizer) và các cơ quan y tế, vaccine Comirnaty (tên vaccine của Pfizer) cho thấy lợi ích đem lại vượt trội hơn nguy cơ có thể xảy ra. Trên thông tin kê đơn có cảnh báo rõ ràng phải luôn sẵn sàng phương án theo dõi sau tiêm và xử trí, điều trị thích hợp trong trường hợp xảy ra các phản ứng phản vệ hiếm gặp.
Bắc Giang từ ngày 12/11 đã tiêm các em học sinh 12-18 tuổi, số lượng dự kiến là 173.977 liều. Theo đại diện Sở Y tế Bắc Giang, toàn tỉnh ghi nhận 4 học sinh ở Sơn Động bị phản vệ sau tiêm.
Việt Nam đang trong chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo lộ trình từ lớn đến nhỏ, hạ dần độ tuổi, tùy tình hình dịch của địa phương và nguồn cung vaccine. Vaccine được Bộ Y tế cho phép sử dụng cho trẻ là của Pfizer và Moderna, tuy nhiên hiện nguồn cung Moderna thiếu, chủ yếu tiêm cho trẻ bằng vaccine Pfizer.
Đến nay gần 30 tỉnh thành đã tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, với hơn 2 triệu liều và hơn 20% trẻ đã tiêm ít nhất một mũi. Đánh giá chung của Bộ Y tế là công tác tiêm chủng diễn ra an toàn. TP HCM là địa phương đầu tiên tiêm cho trẻ, hiện trong đợt tiêm mũi hai.
Chi Lê