Theo bà Hương, nguyên nhân tử vong của nam sinh 16 tuổi bước đầu được xác định là "cơ thể phản ứng quá mức với vaccine". Trước đó, em được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cùng với một nữ sinh bằng tuổi, cũng bị phản vệ nặng sau khi tiêm vaccine Pfizer hôm 24/11 tại huyện Sơn Động. Hai em còn lại gặp tình trạng ít nguy hiểm hơn được điều trị ở địa phương.
Về tình trạng nữ sinh đang được cấp cứu, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, em vẫn chưa qua nguy kịch, y bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa.
Các em là những trường hợp bị phản vệ khi 700 học sinh được tiêm vaccine Pfizer tại điểm tiêm chủng lưu động trường THPT Sơn Động số 2 và trường Phổ thông dân tộc nội trú, huyện Sơn Động.
Sau khi tiêm 15-30 phút, 4 em có triệu chứng phản vệ. Trong đó 2 em bị nặng: choáng váng, khó thở, đau tức ngực, buồn nôn, da tái, nhịp tim chậm, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy máu) dưới 90%. Ngay khi tiếp nhận 2 em, Bệnh viện Bạch Mai đã can thiệp ECMO (thiết bị hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp), tập trung cứu chữa nhằm cải thiện chức năng tim phổi...
Đến nay, gần 30 tỉnh thành đã tổ chức tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, với hơn 2 triệu liều, hơn 23,1% trẻ đã tiêm ít nhất một liều. Trong đó, tỉnh Bắc Giang từ ngày 12/11 đã tiêm các em học sinh 12-18 tuổi, số lượng dự kiến là 173.977 liều.
Bộ Y tế đánh giá công tác tiêm chủng ở các nơi khác diễn ra an toàn. Phản ứng thường gặp nhất ở trẻ sau tiêm là sốt nhẹ, đau vết tiêm, đau cơ, đau cánh tay...
Chi Lê