Vợ chồng tôi cũng đã trải qua giai đoạn làm việc 'bán mạng'. Hậu quả bệnh tật chưa đến mức không thể chịu nổi, nhưng sức khỏe cũng thuộc dạng 'lay lắt' vì chỉ uống thuốc cầm chừng, không dám ngã bệnh khi 'chưa tới lượt'.
Hết chuyện nhà cửa, con cái, đến trách nhiệm với anh em, cha mẹ cứ dồn dập kéo tới, khiến chúng tôi - hai trụ cột duy nhất trong nhà - không ai được phép nghỉ ngơi.
Đến khi cơ thể 'giơ cờ trắng' chịu thua, vợ chồng tôi đành cùng nhau nghỉ ngơi, may mắn là lúc đó mọi việc đã vào guồng ổn định. Nghĩ lại, nếu sống chỉ cho bản thân, chẳng cần 'làm tới chết' như thế; đôi khi quá lo cho gia đình, cha mẹ, anh em lại hóa thành cái 'dở'.
Các bạn trẻ ngày nay nên nghĩ đến bản thân một chút, biết đâu là điểm dừng, biết cách từ chối hay thương lượng với nhu cầu từ người thân.
Báo hiếu cũng trong khả năng, đừng cố quá vì kỳ vọng cha mẹ, hỗ trợ anh em thì vui, không thì 'ai có phận nấy'. Làm 'bán sống bán chết' để rồi đến lúc đổ bệnh nan y, lại thành gánh nặng cho gia đình, thấm thía tình đời 'rét lạnh' còn tuyệt vọng hơn.
Tôi thuộc thế hệ 'già' và đã có thời lo cày cuốc tích lũy chút vốn nhỏ, nhưng về sau mới nhận ra muốn dễ thở thì phải nhìn xa, tự học thêm những điều không ai chỉ cho mình, và quan sát nhanh nhạy. Chăm chỉ chỉ đủ để tồn tại; muốn có nhà, có xe, phải biết kinh doanh, đầu tư.
Những điều này không phải có tiền là làm được ngay, đôi khi còn là mồi ngon để người ta lợi dụng. Bạn cần tích lũy vốn sống, tự học để có trải nghiệm, qua nhiều lần 'thử và sai' mới có thể kiểm soát lòng tham và tìm được hướng đi riêng.
Càng nóng vội với thành công, càng dễ thất bại. Đó là chút kinh nghiệm của tôi, mong rằng có thể giúp ích cho bạn".
Độc giả Plutino chia sẻ câu chuyện và nêu quan điểm như trên, sau bài viết 'Bán mạng' kiếm tiền.
Theo đó, Hiện chưa có số liệu bao nhiêu người trẻ Việt Nam mắc bệnh do bị vắt kiệt sức lao động và sinh hoạt thiếu khoa học. Tuy nhiên, tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh "người già" đang dần trẻ hóa và tăng nhanh.
Chẳng hạn, số người trẻ mắc bệnh suy thận mạn tăng 5-10% trong khoảng 5 năm nay. Nhiều người 20, 30 tuổi đã bị suy thận mạn, phải lọc máu cả đời. Một thống kê khác của Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy từ năm 2000 đến nay, số người trên 25 tuổi bị cao huyết áp tăng 47% so với các thập niên trước, nam nhiều hơn nữ.
Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ cách cân bằng công việc, thu nhập và sức khỏe của bạn tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp