Sơn, ở Hà Nam, mồ côi cha mẹ, đang nuôi em gái học lớp 8. Vài năm nay, anh chạy xe công nghệ chủ yếu vào buổi đêm để tối đa hóa thu nhập do khung giờ này ít tài xế hoạt động. Do không có thời gian nấu ăn, Sơn chủ yếu mua suất cơm bụi, bánh mỳ hoặc chai nước ngọt. Để chống lại cơn buồn ngủ, chàng trai "đốt" 30 điếu thuốc lá, hoặc uống trà đặc, nước tăng lực.
Lâu dần, anh bị nghiện thực phẩm nhiều đường, uống nước ngọt thay cơm. Nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe nên Sơn chưa từng đi khám.
Gần đây, Sơn liên tục mất ngủ, mệt mỏi, "nghĩ do làm việc quá sức". Song, tiền điện, tiền nhà, tiền học của em buộc anh phải kiên trì, thậm chí "bán mạng làm việc". Đến khi tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ, đi tiểu nhiều bọt, chàng trai mới đến viện.
Nhìn khuôn mặt thất thần, người mảnh như lá lúa, da sạm đen của Sơn, bác sĩ Phạm Quang Khải, Khoa Phẫu thuật Thận Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện E chột dạ. Kết quả khám cho thấy người bệnh tăng huyết áp, rối loạn lo âu, stress, chỉ số xét nghiệm gan thận ở mức báo động.
Theo bác sĩ, Sơn bị suy thận giai đoạn cuối, buộc phải lọc máu, sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc đến khi được ghép thận. "Không ai muốn tin vào kết quả này", bác sĩ Khải nói, hôm 26/10. Theo ông Khải, suy thận vốn là căn bệnh ở người già, nhưng xuất hiện rất sớm ở thanh niên này do lối sống thiếu lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, thức khuya, thiếu ngủ, tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn.
Tương tự, Huyền, 24 tuổi, làm kế toán cho một công ty tư nhân ở Thanh Xuân, kèm việc làm thêm ngoài giờ. Trung bình một ngày, Huyền ngồi máy tính từ 10 đến 13 tiếng, kéo dài từ 8h sáng đến tối muộn, "số lần nửa đêm đang ngủ phải bật dậy xử lý công việc nhiều không đếm xuể". Đến ngày quyết toán thuế, cô làm việc gần như không nghỉ, "giống giam lỏng". Tự nhận mình là thế hệ Gen Z, là những người thông minh, nhanh nhẹn, có nhiều sáng tạo nên phải nỗ lực để không bị tụt lại phía sau.
Gần đây, cô bị đau nhức xương, chóng mặt, đau dạ dày, trào ngược axit, dễ ốm hơn. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán cô bị thoái hóa đốt sống lưng, viêm loét dạ dày, cần thay đổi lối sống. Bệnh tật khiến công việc của Huyền trì trệ, bế tắc, dẫn đến mất ngủ, chán ăn, stress nặng nề và đau dạ dày nhiều hơn.
Hiện chưa có số liệu bao nhiêu người trẻ Việt Nam mắc bệnh do bị vắt kiệt sức lao động và sinh hoạt thiếu khoa học. Tuy nhiên, tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh "người già" đang dần trẻ hóa và tăng nhanh.
Chẳng hạn, số người trẻ mắc bệnh suy thận mạn tăng 5-10% trong khoảng 5 năm nay. Nhiều người 20, 30 tuổi đã bị suy thận mạn, phải lọc máu cả đời. Một thống kê khác của Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy từ năm 2000 đến nay, số người trên 25 tuổi bị cao huyết áp tăng 47% so với các thập niên trước, nam nhiều hơn nữ.
Năm 2023, Bộ Y tế ghi nhận khoảng 5-7% số ca đột quỵ là người dưới 45 tuổi, có xu hướng ngày càng phổ biến những năm gần đây. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, tỷ lệ này còn cao hơn, liên quan lối sống và áp lực công việc trong môi trường đô thị hóa. Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 người tử vong mỗi năm vì bệnh tim mạch, cao nhất trong các bệnh và ngày càng trẻ, tăng 11-13%.
"Đây là tình trạng báo động khi người trẻ vắt kiệt sức để kiếm tiền, sinh hoạt thiếu khoa học, đến mức đánh đổi bằng cả tính mạng", bác sĩ Khải nói.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bác sĩ cho biết chủ yếu do lối sống thiếu khoa học như thiếu ngủ, stress mãn tính, lười vận động, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, ăn nhiều đồ dầu mỡ, đồ ngọt, thực phẩm chế biến... Đặc biệt, các căng thẳng mãn tính nếu không được giải quyết sẽ để lại hậu quả nặng nề.
"Đến khi có triệu chứng và đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, tốn kém kinh tế", bác sĩ nói, thêm rằng tâm lý "trẻ khỏe" cũng khiến nhiều người chủ quan bỏ qua các dấu hiệu sớm của bệnh.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trên tạp chí Môi trường Quốc tế năm 2021, người làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần đối mặt nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn 17% so với người làm việc 35-40 giờ mỗi tuần. Các chuyên gia cho rằng văn hóa làm việc quá sức trong bất kỳ ngành nghề nào đều có thể tác động xấu đến sức khỏe của chúng ta. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến thói quen ăn uống và ngủ nghỉ kém, không có khả năng duy trì cuộc sống xã hội hoặc cá nhân lành mạnh, góp phần đáng kể vào các vấn đề sức khỏe tim mạch.
Bên cạnh đó, các bệnh tim mạch liên quan đến căng thẳng đôi khi không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Theo bác sĩ, cơ thể chúng ta giải phóng các hormone như cortisol như một phản ứng tự nhiên đối với căng thẳng. Nồng độ cortisol cao kéo dài có thể làm tăng cholesterol trong máu, triglyceride, lượng đường trong máu và huyết áp - những yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh tim.
Ngoài ra, căng thẳng mãn tính có thể thúc đẩy sự tích tụ mảng bám trong mạch máu và làm thay đổi kiểu hình đông máu, khiến máu đặc hơn và làm tăng nguy cơ đau tim. "Ngay cả căng thẳng nhỏ cũng có thể làm co mạch máu, giảm lưu lượng máu đến cơ tim, có thể gây tổn thương nghiêm trọng nếu tim không nhận đủ oxy", ông nói.
Tình trạng căng thẳng của thế hệ trẻ trầm trọng hơn khi họ được coi là "thế hệ cô đơn", cuộc sống phải phụ thuộc nhiều vào công nghệ nên ít kết nối với đời thực. Họ không có người chia sẻ, giúp đỡ, hướng dẫn, dễ stress, chán nản, chỉ biết lao vào công việc để giết thời gian.
Theo chuyên gia, người trẻ nên tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Dành thời gian cho giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, quan tâm đến sức khỏe bản thân nhiều hơn.
Người đang bị kiệt sức hoặc có vấn đề trong đời sống cá nhân nên mở lòng, chia sẻ để được giúp đỡ, hỗ trợ, vượt qua khó khăn. Tuyệt đối không "bán mạng kiếm tiền" hay bỏ bê bản thân.
"Đến bản thân mình cũng không yêu thương, trân trọng thì bạn khó làm được gì trọn vẹn và lâu dài. Bởi sức khỏe là tài sản quý giá, khi đã mất thì không thể tìm lại", bác sĩ nói.
Các công ty nên thúc đẩy môi trường làm việc lành mạnh bằng cách khuyến khích đối thoại cởi mở, cung cấp hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tạo ra các chính sách cho phép nhân viên nghỉ ngơi khi họ cảm thấy không khỏe. Nhân viên nên cảm thấy thoải mái khi thảo luận về những thách thức của họ với bất kỳ ai trong tổ chức mà không sợ bị phán xét.
Thùy An