Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Trần Hạnh Vy, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
Tổng quan
- Sự khác nhau về màu da ở con người liên quan đến số lượng melanin, oxyhemoglobin, hemoglobin khử và caroten.
- Melanin là sắc tố chủ yếu tạo nên màu da, tóc và mắt. Nó cũng là lá chắn làm giảm tác hại của tia cực tím đối với da, ngăn ngừa các phản ứng viêm da do ánh nắng.
- Sạm da là một trong những vấn đề về da phổ biến nhất ảnh hưởng đến cả nam và nữ, trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác.
Biểu hiện
- Các vùng da bị ảnh hưởng bởi sự tăng sắc tố sẽ sẫm màu hơn so với các vùng da khác. Nó có thể trở nên rõ nét hơn khi phơi nắng nhiều (làm tăng thêm melanin) hoặc sau các tình trạng viêm da như mụn trứng cá.
- Sự tăng sắc tố da biểu hiện bởi các đốm xám, nâu, đen hoặc thậm chí có màu xanh tím và các mảng hoặc các vệt trên bề mặt da.
- Sạm da có thể toàn thân hay khu trú. Da có thể nhẵn hay xù xì, lan tỏa hay từng mảng, có màu nâu vàng, cà phê sữa hay đen, kèm ngứa hay triệu chứng của các bệnh khác.
- Một số vùng da bị đổi màu sẽ tự biến mất theo thời gian, chẳng hạn như vết thâm sau mụn trứng cá nhẹ hoặc vết cháy nắng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây sạm da rất đa dạng, cả nội sinh lẫn ngoại sinh.
- Rối loạn sắc tố di truyền.
- Bệnh lý các cơ quan khác như rối loạn nội tiết, xơ gan, đái tháo đường...
- Nguyên nhân nội tiết như mắc bệnh suy thượng thận.
- Rối loạn chức phận tuyến yên, tuyến sinh dục.
- Chuyển hóa, ứ đọng quá mức chất sắt trong cơ thể, nhất là ở gan và các tổ chức, trong đó có da.
- Nguyên nhân dinh dưỡng, các bệnh giảm protein, viêm cầu thận mạn, viêm đại tràng mạn, hội chứng giảm hấp thu, đôi khi tóc biến đổi thành màu đỏ nâu.
- Trong bệnh thiếu vitamin B12, tóc có màu nâu xám, da tăng sắc tố ở các khớp nhỏ của bàn tay.
- Tiếp xúc hóa chất độc hại, dầu lửa, hắc ín.
- Lạm dụng hóa mỹ phẩm như kem bôi có hydroquinon.
- Người dùng hóa trị liệu lâu ngày, dùng thuốc tránh thai, thuốc chống sốt rét, tetraxyclin.
- Ngoài ra còn có nguyên nhân lý học, nhất là tổn thương da do bỏng, nóng, do tia tử ngoại...
- Mắc bệnh, có khối u ác tính, nhất là ung thư biểu mô đường tiêu hóa, hô hấp.
Điều trị
- Có thể dùng các loại thuốc bôi ngoài da chứa retinoids, glycolic acid, salicylic acid... giúp tẩy da chết và trẻ hóa cũng có ích trong việc điều trị mọi loại tăng sắc tố da.
- Melanin có thể bị nhạt hoặc mất màu bởi các chất oxy hóa. Ngoài việc điều trị nguyên nhân, tránh tiếp xúc với các môi chất gây bệnh, có thể điều trị bằng vitamin C liều cao, Methionin, vitamin nhóm B, vitamin E...
- Nếu các loại thuốc bôi ngoài da cho hiệu quả chậm, bác sĩ da liễu có thể đề nghị làm thủ thuật điều trị chứng tăng sắc tố da. Các thủ thuật này bao gồm tái tạo da bằng axit salicylic, glycolic acid... để trị các vùng da sạm màu.
- Liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao (IPL): Phương pháp này sử dụng cho các sắc tố nông trên những type da sậm màu. Thiết bị IPL được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Phòng ngừa
- Quan trọng nhất là tránh nắng bằng cách sử dụng kem chống nắng, khẩu trang, mũ rộng vành cũng như quần áo bảo vệ.
- Hạn chế ra ngoài trời từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, vì đây vào thời điểm nắng mạnh.
- Mặc quần áo bảo vệ ánh nắng, đội mũ rộng vành, áo tay dài khi ra ngoài.
- Thoa kem chống nắng thường xuyên, nên dùng loại kem chống nắng có phổ rộng tránh cả UVA và UVB và có độ chống nắng (SPF) khoảng 30 hoặc hơn. Nên thoa trước khi ra nắng khoảng 20 phút, thoa lặp lại khi ra mồ hôi nhiều hoặc sau khi tiếp xúc nước.
- Nên duy trì lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi ăn uống điều độ, không nên ăn quá nhiều mỡ động vật, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh...
- Tập thể dục thường xuyên.
- Tránh stress, duy trì cuộc sống ôn hòa, vui khỏe.
Mỹ Ý