Trả lời:
Sữa chua là thức ăn chế biến từ sữa đã lấy hết kem hoặc không; nó đông đặc do sự phát triển của trực khuẩn Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus. Quá trình chủ yếu xảy ra trong sự lên men sữa chua là đường lactoza chuyển thành đường glucoza, sau đó các đường đơn này chuyển thành axit piruvic, rồi chuyển thành axit lactic...
Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, glucid, lipid, các muối khoáng (nhất là canxi) và vitamin (chủ yếu là nhóm B và A).
Ngoài giá trị dinh dưỡng, sữa chua còn có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là với những bệnh đường ruột. Các vi khuẩn trong sữa chua có khả năng sống sót trong ruột người và có lợi cho cơ thể.
Trong ruột già của người thường có những loại vi khuẩn gây thối rữa, sống nhờ những thức ăn chưa tiêu hóa hết và tạo ra các chất độc. Những chất độc này thấm qua thành ruột vào máu, tác động lên hệ thần kinh, làm tăng quá trình lão hóa, gây hiện tượng già trước tuổi. Khi ăn sữa chua, vi khuẩn lactic trong thực phẩm này sẽ phân giải lactoza thành axit lactic, làm thay đổi độ pH của môi trường ruột già (từ tính kiềm chuyển sang tính axit, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây thối rữa) Ngoài ra, một số vi khuẩn trong sữa chua có thể tạo kháng sinh để diệt các vi khuẩn có hại trong ruột.
Vì vậy, những người có bệnh đường ruột như cháu nên ăn sữa chua. Nếu thấy thực phẩm này thích hợp với mình, tránh được rối loạn tiêu hóa, cháu có thể dùng thường xuyên vì bản thân sữa chua cũng là một thức ăn tốt.
BS Hương Liên, Sức Khoẻ & Đời Sống