Nghiên cứu từ Trường Y tế cộng đồng Harvard ở Mỹ, nhận định rằng thực phẩm quen thuộc này có thể mang lại một cách thức dễ dàng và rẻ tiền để nâng cao chất lượng sống của người có tuổi.
Theo Forbes, nhóm nghiên cứu tìm hiểu khoảng 200 nghìn nam giới và phụ nữ, kéo dài trong 30 năm và ghi lại thông tin chi tiết về thực đơn của họ. Tất cả những người này đều không bị tiểu đường ở đầu thời điểm nghiên cứu, đến khi nghiên cứu kết thúc, có hơn 15.100 người đã mắc tiểu đường tuýp 2. Phân tích chế độ ăn cho thấy không có mối liên quan nào giữa căn bệnh này và tổng lượng sữa ăn vào hàng ngày. Tuy nhiên, sữa chua dường như đã giúp ngăn ngừa bệnh.
Khi bổ sung dữ liệu từ các nghiên cứu khác, nhóm khoa học có được số liệu của khoảng gần nửa triệu người. Nó cho thấy cho thấy chỉ cần ăn 28 gram sữa chua mỗi ngày - bằng khoảng 1/4 hộp sữa chua nhỏ - cũng có thể giảm 18% nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Tiểu đường tuýp 2 - dạng tiểu đường được tìm hiểu trong nghiên cứu này - phát sinh mạnh do tình trạng béo phì. Nó thường xuất hiện ở tuổi trung niên và qua thời gian làm xuất hiện các biến chứng chết người hoặc gây tàn phế, như mù lòa, đau tim hay đột quỵ.
Người ta cho rằng vi khuẩn có ích trong sữa chua đã giúp cho sự trao đổi chất thuận lợi hơn, đồng thời loại bỏ những độc tố vốn góp phần gây nên hiện tượng béo phì. Cũng có thể chính những người ăn sữa chua thường xuyên coi nó là món tráng miệng và vì thế ăn ít đồ ngọt hơn những người khác. Nói cách khác, việc ăn sữa chua là một phần của lối sống lành mạnh hơn, do đó làm giảm thiểu nguy cơ mắc tiểu đường.
Các nghiên cứu tiếp theo sẽ tiếp tục tìm hiểu liệu bản thân sữa chua có trực tiếp làm giảm nguy cơ bị tiểu đường hay không.
Thuận An