Lúc này là gần 10h30 đêm, cửa sổ chung cư tôi vang đến một giọng ca chói tai làm con của tôi giật bắn. Tôi ra ngoài hành lang chung cư, đi xuống dưới sân chung cư nhưng không xác định được nhà nào vọng ra tiếng karaoke giờ này.
Khi ấy tôi chỉ thầm nghĩ không biết các nhà xung quanh nơi mà tiếng karaoke ấy phát lên đang nghĩ gì. Ước sao họ gõ cửa hàng xóm yêu cầu hay gọi công an khu vực. Nhưng không. Ngoài việc đóng chặt cửa, nhét nút bịt tai và cố gắng ru đứa con nhỏ vào giấc lại thì tôi chẳng thể làm gì khác.
Tôi đọc các bài viết của nhiều bạn chia sẻ về vấn nạn tiếng ồn và chung quy 90% dừng ở mức "chịu đựng". Tôi tự hỏi vì sao chúng ta phải chịu đựng? Người Việt nên có những cái "chịu" khác thay vì "chịu" những thứ đã và đang vi phạm pháp luật.
Theo tôi, phần lớn người dân hát karaoke và gây ồn không biết họ đang vi phạm pháp luật hay họ không được phép có những hành động vi phạm đến cuộc sống của người khác.
Quay về với chữ "chịu" tôi chia sẻ, rất xin lỗi là tôi thấy một số người "không chịu" xếp hàng, "không chịu" nói nhỏ nơi công cộng, "không chịu" vứt rác đúng chỗ, " không chịu" dừng đèn đỏ... nhưng lại "chịu" với tệ nạn karaoke và tiếng ồn.
Một cây làm chẳng lên non, nếu mỗi người góp một tay, tôi nghĩ sẽ giúp phần nào tình huống cải thiện tốt hơn. Ví dụ một mình tôi phản ánh, báo công an khu vực... có thể cơ quan chức năng chỉ xem là một việc cá nhân tôi.
Nhưng nếu bạn cùng chung tay phản ánh, thì ấy lại là một câu chuyện của tập thể, của khu vực và của xã hội. Phải chăng chúng ta nên hành động và cố gắng vì quyền lợi của bản thân.
Tôi không quy chụp những ai hát karaoke đều là xấu, chỉ những người không có ý thức hát karaoke một cách vô văn hoá mới đáng lên án. Xin đừng vì "tình làng nghĩa xóm" hay "ngại" hay "có phản ánh cũng chẳng được gì"... mà phải "chịu".
Bạn có quyền lợi và hãy bảo vệ quyền lợi của bạn. Các bạn có thể tham khảo về quy định tiếng ồn, không chỉ sau 10h đêm mới được phản ánh mà bất kỳ khi nào, ở đâu, nếu ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn và gia đình. Xin hãy lên tiếng.
Bạn có thể phản ánh bằng 1022, liên hệ trực tiếp công an khu vực, uỷ ban, hay mạnh hơn là thu thập bằng chứng và gửi khiếu nại. Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ "ối làm quá vấn đề" hay "không có tác dụng gì đâu". Có thể bạn cũng đúng nhưng không thử , không hành động thì chúng ta mãi "chịu" vấn nạn này.
Linh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.