Chị Phương, 43 tuổi, sống tại Đống Đa, cùng chồng bị cúm từ trước Tết Nguyên đán, ho kéo dài hơn ba tuần qua. Nghe mọi người mách rằng hành tây có thể diệt khuẩn, làm sạch không khí và phòng chống cúm hiệu quả, chị mua củ này về, bóc vỏ, cắt đầu củ và đặt ở phòng khách, phòng làm việc với hy vọng "diệt trừ vi khuẩn, tăng miễn dịch cho cả nhà".
"Sợ lây bệnh cho hai con nhỏ, tôi thử làm xem có hiệu quả không", chị Phương nói. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày, con gái lớn của chị bắt đầu ho, sốt và được chẩn đoán dương tính với cúm A. Bé thứ hai cũng có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn và quấy khóc nhiều vào ban đêm.
Cũng tin tưởng phương pháp này, chị Lan, 34 tuổi, dành cả ngày để trồng hành tây theo hướng dẫn trên mạng. Chị đặt củ hành lên miệng cốc nước, để phần rễ ngập khoảng 1 cm, sau đó đặt ở nơi có ánh sáng. Nữ nhân viên văn phòng thay nước định kỳ và chờ hành mọc rễ, lá.
Sau vài ngày, chị bỏ cuộc vì không hiệu quả, thậm chí xuất hiện triệu chứng ho, mệt, chóng mặt, buồn nôn. Kết quả khám tại cơ sở y tế tư nhân cho thấy người phụ nữ bị rối loạn tiêu hóa, cảm lạnh, dùng thuốc và nghỉ ngơi theo hướng dẫn.

Sau trồng hai ngày, chị Phương phải vứt đi vì không thấy hiệu quả. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Đông y, hành tây chứa các hợp chất như acid malic, phytin, alylsunfit, tinh dầu, tác dụng diệt khuẩn, sát trùng, lợi tiểu và hỗ trợ điều trị một số bệnh như cảm, sốt, nhức đầu. Tuy nhiên, việc trồng hành tây trong nhà để "hút" virus cúm là hoàn toàn phản khoa học. Hiện không có tài liệu y khoa nào ghi nhận khả năng này.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết thông tin về việc hành tây chữa cúm đã xuất hiện từ lâu và thường được lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người tin rằng hành tây có thể lọc sạch không khí và phòng bệnh cúm mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Hành tây có thể hỗ trợ tăng đề kháng, nhưng không thể tiêu diệt virus cúm".
Đặc biệt, trong đợt dịch cúm năm nay, hai chủng cúm A là H3N2 và H1N1 được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh và gây biến chứng nặng ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người già và người có bệnh nền. Việc tin tưởng vào phương pháp trồng hành tây có thể khiến nhiều người chủ quan, không tiêm vaccine, không giữ ấm cơ thể, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giải thích rằng cúm là bệnh lưu hành quanh năm, đặc biệt tăng mạnh vào các giai đoạn khí hậu lạnh ẩm như tháng 1-2 và tháng 6-7. Một số yếu tố như thời tiết lạnh sâu, tập trung đông người trong dịp lễ Tết, hay bệnh nhân có tiền sử bệnh nền đều làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Virus cúm lây lan chủ yếu qua các giọt bắn từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Các giọt bắn này có thể phát tán trong bán kính 1-2 m và tồn tại trên bề mặt đồ vật. Khi người khỏe mạnh chạm vào các bề mặt này rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng, họ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
"Việc trồng hành tây trong nhà không có tác dụng trong việc ngăn ngừa cúm. Người dân tuyệt đối không nên nhẹ dạ cả tin vào những phương pháp không có căn cứ khoa học", bác sĩ Đạt nhấn mạnh.
![[Caption]Ảnh chụp màn hình](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/15/476559807-2960409040785643-688-3316-6447-1739592949.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bsxlH0cr19IDKahr-CP82w)
Nhiều người đổ xô đi trồng hành để tiêu diệt virus cúm. Ảnh chụp màn hình
Để phòng cúm, mọi người cần tiêm phòng cúm hàng năm để tăng cường miễn dịch. Giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tránh tụ tập đông người, đặc biệt trong thời gian bệnh dịch bùng phát. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết. Khám bệnh ngay khi có triệu chứng kéo dài hơn ba ngày, nhất là với nhóm người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc có bệnh nền.
Người dân không nên chủ quan nhưng cũng không được lơ là. Không tự ý uống thuốc bừa bãi mà cần tuân thủ theo đơn thuốc và hướng dẫn của bác sĩ.
Thùy An