"Tình hình ở miền đông Ukraine đã có những thay đổi lớn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine nhắc nhở công dân và các doanh nghiệp chú ý đến các thông báo an toàn được phát tại địa phương và không đến những khu vực bất ổn", Đại sứ quán Trung Quốc đăng trên trang web hôm 22/2.
Cơ quan này khuyến cáo công dân tích trữ nhu yếu phẩm hàng ngày như thực phẩm và nước uống. Họ không đưa ra khuyến nghị công dân rời Ukraine như thông điệp từ nhiều quốc gia khác.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine. Ảnh: Wikimedia Commons.
Hồi đầu tháng, các nước như Mỹ, Anh và Đức đã kêu gọi công dân nhanh chóng rời Ukraine do lo ngại nguy cơ Nga tấn công nước này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine trong khi đó kêu gọi công dân bình tĩnh theo dõi chặt chẽ tình hình, đồng thời chỉ trích Mỹ thổi phồng khả năng xảy ra một cuộc chiến.
Tổng thống Nga Vladmir Putin ngày 21/2 công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR) tự xưng tại Ukraine. Lãnh đạo Nga cũng lệnh cho quân đội tiến vào hai vùng ly khai ở Ukraine trong chiến dịch gìn giữ hòa bình. Nga không công bố chi tiết hoặc thời điểm triển khai, chỉ cho biết lệnh có hiệu lực kể từ ngày được ký.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố "không sợ bất kỳ ai" sau khi Nga công nhận hai vùng ly khai, đồng thời yêu cầu phương Tây "ủng hộ rõ ràng". Loạt lãnh đạo phương Tây cũng lên án Nga và đe dọa trừng phạt.
Donetsk và Lugansk nằm ở vùng Donbass phía đông Ukraine, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công.

Bán đảo Crimea và vùng Donbass. Đồ họa: Washington Post.
Căng thẳng Ukraine leo thang từ cuối năm ngoái, sau khi Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tấn công nước láng giềng. Nga nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Sau khi Nga ngày 15/2 thông báo rút một phần lực lượng gần Ukraine, chính quyền Kiev và nhiều lãnh đạo phương Tây bày tỏ hoài nghi, nói rằng không thấy bằng chứng Moskva rút quân. Tình báo phương Tây vẫn lo ngại Tổng thống Nga Putin có thể ra lệnh tấn công Ukraine bất cứ khi nào.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Tính toán khiến Mỹ liên tục cáo buộc Nga 'sắp tấn công Ukraine'
Ngọc Ánh (Theo Reuters/Guardian)