1. Cơn sốt U19
Được thành lập với nòng cốt là các cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG, U19 Việt Nam đột nhiên trở thành hiện tượng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ nhờ triết lý bóng đá tấn công, thi đấu đẹp mắt, ứng xử văn hóa và liên tục gặt hái thành công. Trong năm 2014, đội đoạt chức á quân giải U19 Đông Nam Á mở rộng, về nhì giải giao hữu tranh Cup nhà vua Brunei. Sau thất bại ở vòng chung kết U19 châu Á, các thành viên trụ cột như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… đã vô địch giải U21 Quốc tế tổ chức ở Cần Thơ.
“Chưa nơi nào trên thế giới một đội bóng đá trẻ lại được hâm mộ cuồng nhiệt như ở Việt Nam”, HLV Guillaume Graechen thốt lên khi chứng kiến sân Mỹ Đình vốn có sức chứa 40.000 người không còn chỗ trống, cảnh cả nghìn người rồng rắn xếp hàng xuyên đêm chờ mua vé hay những góc khán đài rực đỏ kể cả khi đội bóng thi đấu ở nước ngoài.
Trong vòng xoáy của sự quan tâm đó, đội trưởng Nguyễn Công Phượng trở thành tâm điểm bất đắc dĩ với nghi án gian lận tuổi. Việc tiền đạo quê Nghệ An sinh năm 1993 hay 1995 trở thành đề tài bàn tán trong thời gian dài, với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Các cơ quan chức năng sau đó phải vào cuộc. Theo Sở tư pháp Nghệ An, tiền đạo của Hoàng Anh Gia Lai đích thực sinh năm 1995 như trên giấy tờ khai sinh.
2. Nạn dàn xếp tỷ số phủ bóng lên V-League
Đầu tháng 4, vụ tiêu cực ở Ninh Bình bị phanh phui sau một loạt trận đấu "có mùi". Cơ quan điều tra sau đó xác định được nhóm cầu thủ thuộc biên chế của đội bóng cố đô dàn xếp tỷ số trong chiến thắng 3-2 trên sân của Kelantan tại AFC Cup. Có tổng cộng chín người sau đó phải hầu tòa, trong số đó tiền vệ Trần Mạnh Dũng được xác định là chủ mưu, nhận án 30 tháng tù giam. Sau bê bối này, đội Ninh Binh rút khỏi V-League, nhưng vẫn gắng gượng thi đấu tại AFC Cup và chỉ dừng bước ở tứ kết.
Chưa kịp gượng dậy, giải đấu số một quốc gia bị bồi tiếp một đòn khi sáu cầu thủ Đồng Nai bị bắt sau trận thua Quảng Ninh hôm 20/7. Nhóm này bị cho là đã làm độ trận thua Quảng Ninh với giá 400 triệu đồng. Trong khi cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ để đưa vụ việc ra xét xử, Đồng Nai tiếp tục thi đấu ở V-League 2014 và bất chấp sự vắng mặt của sáu trụ cột vẫn trụ hạng thành công.
Trong cả hai vụ việc, những cầu thủ "nhúng chàm" đều bị VFF và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cấm thi đấu dài hạn. Hình ảnh bóng đá Việt Nam trong mắt bạn bè châu lục và thế giới, vốn đã không đẹp, một lần nữa bị vấy bẩn.
3. Bóng đá nữ Việt Nam lỡ cơ hội dự World Cup
Chiến thắng 3-1 trước Jordan trao tấm vé chơi trận play-off của khu vực châu Á dự World Cup 2015 vào tay thầy trò HLV Trần Vân Phát. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam tới gần sân chơi thế giới như lần này. Tuy nhiên, ở thời điểm cần nhất sự bản lĩnh, các cô gái của chúng ta lại không thể hiện được nhiều.
Trong trận đấu diễn ra trên sân Thống Nhất ngày 21/5, đội nhận thất bại 1-2 trước kình địch Thái Lan, đặt dấu chấm hết cho quãng thời gian dài tích lũy niềm tin kể từ khi đội giành vị trí thứ ba bảng B Asian Cup. HLV người Trung Quốc Trần Vân Phát sau đó ra đi, kết thúc bảy năm gắn bó nhiều thành công. Thất bại này cũng đặt ra những thay đổi mạnh mẽ cho bóng đá nữ về chuyển giao thế hệ, điều kiện quan tâm và đãi ngộ.
4. Việt Nam có đột phá ở ASIAD 17, dù không đạt chỉ tiêu huy chương
Đoàn thể thao Việt Nam kết thúc ASIAD 2014 tại Incheon, Hàn Quốc, với 36 tấm huy chương. Trong đó có một HC vàng, 10 HC bạc và 25 HC đồng, đứng thứ 21 trên tổng số 36 đoàn tham dự và dưới năm quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan (12 HC vàng), Malaysia (5), Singapore (5), Indonesia (4), Myanmar (2).
Tấm HC vàng duy nhất của Dương Thúy Vi (wushu) không đủ giúp đoàn Việt Nam đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng đây không hoàn toàn là giải đấu thất bại. Lần đầu tiên trong lịch sử, môn bơi Việt Nam giành huy chương ở ASIAD khi Ánh Viên cán đích thứ ba nội dung hỗn hợp 400 mét. Bên cạnh đó là kỷ lục cử giật ASIAD ở hạng 56 kg của Thạch Kim Tuấn, việc đội bóng đá nam lần đầu tiên vào tứ kết với vị trí nhất bảng, những tấm huy chương đầu tiên môn thể dục dụng cụ của Phan Thị Hà Thanh...
5. Bi kịch của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014
Bất chấp thành công ngoài mong đợi của đội Olympic tại ASIAD và lá thăm may mắn giúp đội tránh được bảng B tử thần, tuyển Việt Nam vẫn không được đánh giá cao trước thềm AFF Cup 2014. Thái độ bi quan đó xuất phát từ sự sa sút về chất lượng của V-League và kinh nghiệm hạn chế của HLV trưởng Toshiya Miura, người chỉ bắt tay vào công việc sáu tháng trước khi giải diễn ra và trước đó chưa từng làm việc ở cấp độ đội tuyển. Nhưng khi vào giải, tuyển Việt Nam, với đội ngũ trẻ trung và lối chơi tấn công tận hiến, càng đá càng hay, cán đích nhất bảng A với chiến thắng thuyết phục 3-1 trước Philippines ở lượt trận cuối. Sự kỳ vọng lên đến đỉnh điểm khi thầy trò ông Miura sau đó thắng oanh liệt 2-1 trên sân của Malaysia ở bán kết lượt đi.
Tuy nhiên, khi truyền thông, người hâm mộ đến các cầu thủ đều tin chắc rằng đội nhà sẽ chiếm một suất vào chung kết, khi cụm từ "vô địch" đã được nhắc đến rất nhiều lần, thì đội bóng nhận thất bại bất ngờ 2-4 ở lượt về ngay tại Mỹ Đình. Trong hiệp một đội chủ nhà để thủng lưới bốn lần. Hai bàn gỡ của Công Vinh chỉ đủ làm những tia hy vọng lóe lên trước khi vụt tan biến. Việt Nam thất bại với tổng tỷ số 4-5 sau hai lượt trận và bị loại.
6. Real Madrid lần thứ 10 vô địch châu Âu
Ngày 24/5, Real đánh bại Atletico Madrid với tỷ số 4-1 trong trận chung kết Champions League để hoàn thành giấc mơ Decima. Đây là một mốc son trong lịch sử đội chủ sân Bernabeu cũng như bóng đá châu Âu khi lần đầu tiên có một đội bóng 10 lần vô địch sân chơi danh giá này. Đội xếp ngay sau Real là AC Milan có bảy danh hiệu.
Sau khi hoàn thành vòng bảng với năm chiến thắng và một trận hòa, Real nhanh chóng khẳng định vị thế ứng cử viên số một bằng hai chiến thắng với tổng tỷ số 9-2 trước Schalke ở vòng 16 đội. Trên chặng đường còn lại, "kền kền trắng" chỉ chịu thua một trận duy nhất với tỷ số 0-2 trước Dortmund (sau khi thắng trước 3-0 ở tứ kết lượt đi), hạ bệ Bayern Munich với tổng tỷ số 5-0 trước khi đánh bại Atletico trong trận chung kết. Trong thành công của Real có một phần đóng góp lớn của Cristiano Ronaldo. Tiền đạo này ghi 17 bàn trong suốt mùa giải Champions League 2013-14 và phá kỷ lục lập công của Lionel Messi.
7. Tuyển Đức vô địch World Cup 2014
Ngôi vương mà tuyển Đức có được không phải là kết quả của may mắn, sự ngẫu nhiên hay nhất thời, mà còn là trái ngọt sau một thời gian dài đầu tư kỹ lưỡng, thử - sai - sửa. Bắt đầu từ năm 2004, sau khi thất bại ở Euro, người Đức chú trọng vào đào tạo trẻ lẫn sự phá cách trên băng ghế huấn luyện. Jurgen Klinsmann, sau là Joachim Low, tạo ra một tuyển Đức kết hợp tính khoa học của quá khứ và lối chơi tấn công đầy nhiệt huyết của sức trẻ. Các kỳ Euro hay World Cup sau đó, thành tích tệ nhất của họ cũng là vào bán kết.
Hành trình của thầy trò Low năm nay không bằng phẳng, nhưng luôn cho thấy được sự hợp lý trong đấu pháp với từng đối thủ. Họ có thể gặp khó khăn trước Algeria, Ghana nhưng lại chơi bùng nổ trước chủ nhà Brazil bằng chiến thắng 7-1 ở bán kết. Tinh thần Đức được tái hiện trong trận chung kết với Argentina, thể hiện bằng bàn thắng duy nhất ở hiệp phụ của Mario Gotze. Đức trở thành đội châu Âu đầu tiên vô địch thế giới trên đất Nam Mỹ, bên cạnh với thành tích bất bại cùng số bàn thắng nhiều nhất.
8. Hamilton chấm dứt giai đoạn thống trị F1 của Vettel
Giấc mơ san bằng kỷ lục năm lần vô địch thế giới liên tiếp của Michael Schumacher đã không thể thành hiện thực với Sebastian Vettel trong một mùa giải đầy bất ngờ. Sự ra đi của đồng đội cũ Mark Webber khiến Vettel mất đi sự hỗ trợ đắc lực, trong khi các đội đua khác đều có bước tiến về kỹ thuật và nhân sự. Chung cuộc, nhà vô địch tụt xuống thứ năm, không giành được bất kỳ chiến thắng chặng nào và phải xếp sau đồng đội mới Daniel Ricciardo hai bậc.
Tận dụng những vấn đề nội bộ của Vettel và đội đua Red Bull, đội Mercedes AMG thắng lớn khi giành cả chức vô địch cá nhân lẫn đồng đội. Hai tay đua của đội này là Lewis Hamilton và Nico Rosberg liên tục làm nên những màn kết thúc nhất nhì ấn tượng. Tổng cộng Hamilton giành 11 chiến thắng chặng, lên ngôi vô địch với 384 điểm. Rosberg cũng có năm chiến thắng và chỉ chịu ít hơn 67 điểm. Đây là lần thứ hai Hamilton giành chức vô địch thế giới sau lần đầu tiên vào năm 2008 trong màu áo McLaren. Với 11 chiến thắng chặng mùa này, Hamilton cũng trở thành tay đua Anh thắng chặng nhiều nhất trong lịch sử với tổng số 33 lần.
VnExpress