Olympic trẻ thế giới 2014 diễn ra tại Nam Kinh (Trung Quốc), Ánh Viên mang về tấm HC vàng lịch sử tầm thế giới cho bơi lội Việt Nam ở nội dung 200m hỗn hợp. Đúng một tháng sau, vận động viên sinh năm 1996 xác lập một cột mốc mới trong sự nghiệp, khi cán đích thứ ba ở chung kết 400m hỗn hợp cá nhân nữ với thời gian 4 phút 39 giây 65. Đây cũng là tấm huy chương đầu tiên mà bơi lội Việt Nam có được kể từ khi trở lại thi đấu ở ASIAD 1982 tại Ấn Độ.
Theo dõi niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam thi đấu qua màn ảnh nhỏ, ông Nguyễn Hồng Minh xúc động đến rơi nước mắt. Nguyên vụ trưởng Vụ thành tích cao của Tổng cục Thể dục thể thao nhớ lại câu chuyện hơn 10 năm trước.
"Khi nhìn Ánh Viên lên bục nhận huy chương, trong tôi rộn lên niềm xúc động và tự hào vô cùng'', ông Hồng Minh chia sẻ cùng VnExpress. "Ngày mới hội nhập trở lại thể thao khu vực, nhiều người chẳng tin bơi lội Việt Nam có ngày giành huy chương ở tầm Đông Nam Á. Đến SEA Games 2001, vận động viên Trần Xuân Hiền đoạt HC bạc 100m ếch nam, tôi và anh Trần Long - tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam lúc ấy - ôm nhau khóc ngay trong nhà thi đấu. Bốn năm sau, Nguyễn Hữu Việt vô địch nội dung 100m ếch ở SEA Games 2005, cả đoàn lại mừng chảy nước mắt. Và bây giờ, Ánh Viên đem về tấm huy chương đầu tiên ở sân chơi châu lục, cảm xúc càng đặc biệt hơn nữa. Chiến tích này sẽ khiến bạn bè châu lục có cái nhìn tôn trọng với bơi lội Việt Nam nói riêng và thể thao của chúng ta nói chung".
Chuyên gia đầu ngành thể thao nói rằng tấm HC vàng Olympic trẻ quý giá, song không thể so sánh độ quan trọng so với tấm HC đồng ASIAD 17. "Sở dĩ tôi nói vậy bởi ASIAD là đấu trường hội tụ toàn vận động viên vô địch Olympic và tầm thế giới. Như Trung Quốc dự giải năm nay với 36 nhà vô địch Olympic, 20 nhà vô địch thế giới. Nếu tính cả ASIAD 17 có tầm 100 đến 120 vận động viên đã và đang là những nhà vô địch Olympic. Cộng với những người vô địch thế giới và châu lục, con số có thể lên đến 300 người. Từng ấy đủ thấy sự khốc liệt của đấu trường Á vận hội".
Ông Minh cho biết tấm HC đồng của Ánh Viên đã là kỳ tích của bơi lội Việt Nam và nó lật sang một trang mới đầy hy vọng cho bơi lội Việt Nam bước ra tầm thế giới. "Ánh Viên còn trẻ, tài năng và được đầu tư trọng điểm. Mới 18 tuổi và có chưa đầy bốn năm được phát hiện từ dạng 'ngọc thô' để mài dũa thành tài, Ánh Viên đã liên tiếp lập được những kỳ tích. Tuy nhiên, không nên đặt kỳ vọng rằng vận động viên này có thể vô địch ASIAD 17. Điều đó là quá áp lực và thiếu thực tế. Trong cả hai nội dung sở trường 200m và 400m hỗn hợp, Ánh Viên đều phải đối đầu Ye Shiwen - nhà vô địch ASIAD 2010 và Olympic 2012. Hiện tại, Ye Shiwen đang nắm giữ kỷ lục thế giới và Olympic nên việc vượt qua đối thủ này là chuyện cực khó".
Ông Minh cho biết đào tạo vận động viên đỉnh cao phải theo quy luật đào tạo chặt chẽ, dù có những ngôi sao thể thao có kết quả đột biến và vượt xa dự đoán của người làm chuyên môn. Vào giai đoạn thập niên 1960 đến 1980 của thế kỷ trước, các vận động viên nhảy xa hàng đầu thế giới chỉ ở mức 8,25 đến 8,35m. Nhưng ở Olympic Mexico 1968, vận động viên người Mỹ Bob Beamon lập kỷ lục thế giới với thành tích 8,90m. Đó là kết quả không tưởng với người làm thể thao thời ấy và sau này chính Bob Beamon cũng không thể tái lập thành tích đó. Kỷ lục này giữ nguyên đến giải vô địch thế giới 1991 mới được Mike Powell (Mỹ) vượt qua, với thành tích 8,95 m.
"Lấy ví dụ từ chuyện của Bob Beamon, tôi mới khẳng định rằng không thể chờ đột biến mà cần có sự tích lũy theo giời gian. Nếu cứ được đầu tư tốt và đúng hướng, Ánh Viên và Thạch Kim Tuấn có thể đạt huy chương tại Olympic Rio 2016. Ở giải năm nay, cả hai đều chỉ chịu thua những nhà vô địch thế giới lẫn Olympic nên sự nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân quả là đáng ngưỡng mộ rồi. Tôi cũng tiếc cho Thạch Kim Tuấn vì mức tổng cử 294 kg vượt qua cả HC vàng Olympic 2008, 2012 và ASIAD 2010, nhưng Tuấn phải về nhì vì đối thủ Triều Tiên quá mạnh", ông Minh nhận xét.
"Theo tôi, cần biểu dương thành tích của Ánh Viên và Kim Tuấn nhưng không nên dồn áp lực phải đạt huy chương vàng, trong lúc chúng ta còn có khoảng cách so với đối thủ. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi Ánh Viên đã đứng thứ hai trong 250m đầu tiên nhưng rồi mất vị trí tay đối thủ Nhật Bản. Trong một hành trình dài như thế, vận động viên phải hội tụ ba yếu tố: chiến thuật, độ bền thể lực và tâm lý để chiến thắng. Tôi tin Ánh Viên cần thêm thời gian để có được sự nhuần nhuyễn để rồi bứt phá tốt hơn về thành tích trong hai năm tới đây".
Sau bốn ngày thi đấu chính thức, tính từ ngày khai mạc 19/9, đoàn thể thao Việt Nam mới giành được một HC vàng (Dương Thúy Vi, wushu); hai HC bạc (Nguyễn Hoàng Phương, 50 m súng nam và Thạch Kim Tuấn, cử tạ 56 kg nam); các HC đồng của Nguyễn Tiến Nhật (kiếm ba cạnh nam), kiếm ba cạnh đồng đội nam, cầu mây đôi nữ, 50m súng hơi đồng đội nam, Nguyễn Thị Ánh Viên (400 m hỗn hợp cá nhân nữ), Nguyễn Thanh Tùng (wushu), Nguyễn Mạnh Quyền (wushu), Tân Thị Ly (wushu tán thủ 60 kg nữ), Ngô Văn Sỹ (wushu tán thủ 75 kg nam).
Theo ông Minh, rất khó dự đoán thể thao Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu có từ hai đến ba HC vàng tại Á vận hội 2014 vì các vận động viên của chúng ta không nhỉnh hơn đối thủ là bao nên đôi khi còn phải dựa vào yếu tố may mắn để chiến thắng.
Anh Tuấn