Chính trị gia Mexico không thể tiếp cận với cử tri. Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Kenya, chủ cửa hàng không thể buôn bán. Công việc của một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ nạn nhân bạo lực giới ở Colombia bị cản trở do ứng dụng WhatsApp, đường dây kết nối với nạn nhân, ngừng hoạt động.
"Nhờ có một đội ngũ thực địa, chúng tôi đã phần nào giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng của sự cố", Alex Berryhill, giám đốc điều hành kỹ thuật số của tổ chức phi lợi nhuận Cosas de Mujeres, nói. "Nhưng hàng trăm đường dây nóng khác trên thế giới có thể không gặp may như vậy. Sự cố là một lời nhắc nhở: công nghệ chỉ là công cụ, không phải là giải pháp".
Sự cố gián đoạn toàn cầu của Facebook ngày 4/10 là một minh chứng rõ ràng cho thấy mức độ thiết yếu của các dịch vụ mà công ty này cung cấp với cuộc sống thường ngày. Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger từ lâu không chỉ đơn thuần là công cụ để trò chuyện và chia sẻ ảnh. Chúng đã trở thành những nền tảng quan trọng để kinh doanh, đặt lịch chăm sóc sức khỏe, học trực tuyến, thực hiện các chiến dịch chính trị, đường dây nóng cho các trường hợp khẩn cấp và nhiều hơn nữa.
Tại Ấn Độ, Brazil và nhiều quốc gia khác, WhatsApp quan trọng với các hoạt động xã hội đến mức các nhà quản lý xem đây như "tiện ích", theo Parminder Jeet Singh, giám đốc điều hành của IT for Change, tổ chức phi lợi nhuận về công nghệ ở Bengaluru, Ấn Độ.
Trên toàn thế giới, trung bình 2,76 tỷ người sử dụng ít nhất một ứng dụng của Facebook mỗi ngày trong tháng 6, theo thống kê của công ty. Mỗi ngày, hơn 100 tỷ tin nhắn được gửi qua WhatsApp, ứng dụng được tải gần 6 tỷ lượt kể từ năm 2014, theo ước tính của công ty dữ liệu Sensor Tower. Ấn Độ và Mỹ Latinh đều chiếm khoảng 1/4 số lượt tải, trong khi Mỹ chiếm khoảng 4%, tương đương 238 triệu lượt.
Tại Mỹ Latinh, các ứng dụng của Facebook đã trở thành "phao cứu sinh" cho những vùng nông thôn, nơi dịch vụ điện thoại còn hạn chế hoặc người dân không đủ khả năng chi trả cước phí điện thoại đắt đỏ, nhưng có thể truy cập Internet miễn phí.
Cosas de Mujeres, tổ chức phi lợi nhuận ở Colombia, đã có hàng trăm tương tác mỗi tháng với phụ nữ Colombia và phụ nữ di cư Venezuela, là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực tình dục hoặc nạn buôn người, theo Berryhill.
"Chúng tôi thường nhận được tin nhắn từ những người phụ nữ qua WhatsApp cả ngày, nhưng sự cố đã gián đoạn mọi thứ và họ không thể liên lạc với chúng tôi", bà nói.
Maria Elena Divas, một phụ nữ di cư Venezuela 51 tuổi ở Bogota, Colombia, thường sử dụng WhatsApp để nhận đơn đặt hàng đồ ăn vặt. "Hôm nay tôi không bán được bất kỳ thứ gì", Divas nói.
Trên khắp châu Phi, các ứng dụng của Facebook phổ biến đến mức với nhiều người, chúng chính là Internet. WhatsApp, ứng dụng được dùng nhiều nhất lục địa, là nền tảng chính để giao tiếp với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm.
Tại thủ đô Nairobi của Kenya, mọi mặt hàng từ giày dép, trang sức đến cây cảnh hay đồ gia dụng đều có thể đặt qua Facebook, Instagram và WhatsApp. Người kinh doanh ở thành phố Johannesburg, Nam Phi có thể tham gia Facebook Marketplace, nơi buôn bán mọi thứ như xe ôtô đã qua sử dụng hay tóc giả.
"Công việc kinh doanh của chúng tôi rơi vào bế tắc", Lydia Mutune, chủ một cửa hàng cây cảnh ở Nairobi chuyên buôn bán trên Facebook và Instagram, chia sẻ. "Đó là một lời cảnh tỉnh, giúp tôi nhận ra công việc kinh doanh của tôi và cuộc sống của chúng ta đang hoàn toàn phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội như thế nào".
Việc sử dụng WhatsApp ở Zimbabwe phát triển đến mức có thời điểm chiếm một nửa lưu lượng truy cập Internet ở quốc gia này. Trong sự cố ngày 4/10, người phát ngôn chính phủ đã phải sử dụng Twitter để kêu gọi công chúng "giữ bình tĩnh".
Tuy nhiên, không ít người cho biết sự cố của Facebook khiến họ cảm thấy tốt hơn và bớt bị phân tâm. James Chambers lúc đầu hơi hoảng loạn khi Facebook và Instagram gặp sự cố. Vợ chồng anh không thể đăng bài quảng cáo cho tiệm bánh Chez Angela của họ ở Brandon, Manitoba.
"Nhưng ngày hôm đó, chúng tôi vẫn thấy rất nhiều người đến cửa hàng", James nói. "Doanh thu tăng 30% so với thông thường".
Drogasmil, một chuỗi hiệu thuốc ở Brazil, thường nhận được rất nhiều đơn đặt thuốc theo đơn thông qua WhatsApp, theo Rafael Silva, một dược sĩ ở Rio de Janeiro. Nhưng họ không nhận được bất kỳ đơn hàng nào vào ngày 4/10, do ứng dụng gặp sự cố. Điều này khiến Silva và đồng nghiệp cảm thấy "thảnh thơi" hơn.
Trong một bài đăng Twitter, Jan Bohmermann, một diễn viên hài người Đức, ước Facebook, Instagram và WhatsApp sẽ ngừng hoạt động mãi mãi. Bài viết đã nhận được gần 30.000 lượt thích.
Các cuộc khảo sát cho thấy WhatsApp là ứng dụng được cài gần như trên mọi điện thoại thông minh ở Brazil và hầu hết người dân nước này đều truy cập ứng dụng ít nhất mỗi tiếng một lần. Đặt đơn nhà hàng, đặt đồ siêu thị, đặt lịch khám chữa bệnh hoặc cắt tóc... đều diễn ra trên ứng dụng này. Đặc biệt, trong đại dịch, ứng dụng cũng trở thành công cụ quan trọng để giáo viên dạy cho học sinh vùng sâu vùng xa.
Tại Mexico, nhiều tờ báo địa phương không đủ khả năng chi trả tiền in ấn, nên đã sử dụng Facebook như nền tảng xuất bản thay thế. Điều đó khiến nhiều chính quyền địa phương cũng phải lựa chọn Facebook làm công cụ thông báo thông tin quan trọng, theo Adrian Pascoe, một cố vấn chính trị.
Hai công ty của Leon David Perez, chuyên cung cấp các khóa học trực tuyến, chủ yếu dựa vào Facebook và Instagram để tiếp thị sản phẩm, trong khi dịch vụ chăm sóc khách hàng phụ thuộc vào WhatsApp.
"Cách vận hành của doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn trong 20 năm qua", David nói. "Chúng tôi phải phụ thuộc hoàn toàn vào vài công ty công nghệ. Khi WhatsApp hay Facebook gặp sự cố, chúng tôi cũng ngừng hoạt động".
Thanh Tâm (Theo NYTimes)