Mạng xã hội hàng đầu thế giới Facebook hôm 10/8 thông báo đã gắn nhãn chiến dịch phát tán thông tin bài Covid-19 là "hoạt động tẩy rửa tin thất thiệt" tìm cách tẩy trắng tin giả qua tài khoản của những người có uy tín trên mạng xã hội. Facebook cho hay hoạt động này do công ty tiếp thị Fazze ở Nga thực hiện.
Ben Nimmo, người đứng đầu bộ phận tình báo về mối đe dọa toàn cầu của Facebook, cho hay những người có ảnh hưởng thường bị lừa chia sẻ thông tin thất thiệt khi họ không tự tìm hiểu kỹ lưỡng. "Đây là lời cảnh báo, hãy cẩn thận khi ai đó cố tuồn cho bạn một câu chuyện. Phải tự tìm hiểu kỹ", Nimmo nói.
Đại diện Facebook cho hay trong tháng 7, hãng đã xóa 65 tài khoản trên Facebook và 243 tài khoản trên Instagram đăng ảnh liên quan tới chiến dịch bài vaccine, đồng thời cấm Fazze hoạt động. Fazze là một công ty con của AdNow, công ty quảng cáo đăng ký thành lập ở Anh.
Theo Nimmo, chiến dịch nhắm mục tiêu chủ yếu vào Ấn Độ và Mỹ Latin, nhưng cũng nhằm vào Mỹ, trong lúc chính phủ các nước đang tranh luận về phê duyệt vaccine chống đại dịch.
Cuối năm ngoái, mạng lưới tài khoản giả đã tìm cách lan truyền một meme giả rằng vaccine AstraZeneca sẽ biến con người thành tinh tinh. Sau khi im lặng 5 tháng, một chiến dịch nữa lại tung ra nhằm vào tính an toàn của vaccine Pfizer và tung ra cái mà họ gọi là "tài liệu bị tin tặc đánh cắp" từ AstraZeneca.
Chiến dịch đã tận dụng các nền tảng trực tuyến bao gồm Reddit, Medium, Change.org và Facebook, tạo ra nhiều bài đăng mang tính định hướng sai lệch, sau đó cung cấp cho những người có ảnh hưởng bằng các liên kết, hashtag và nhiều cách nữa để lan truyền tin thất thiệt về vaccine.
"Nó hoạt động như một tiệm giặt tẩy thông tin đa nền tảng", Nimmo nói.
Chiến dịch bị những người có ảnh hưởng ở Pháp và Đức phanh phui, khi họ đặt câu hỏi về những tuyên bố đưa ra trong email quảng cáo của Fazze, sau đó báo chí bắt đầu vào cuộc. Facebook không rõ ai đã thuê Fazze cho chiến dịch bài vaccine, nhưng đã chia sẻ phát hiện của mình với cơ quan chức năng, cảnh sát và đồng nghiệp trong ngành công nghiệp Internet, theo Nathaniel Gleicher, người đứng đầu bộ phận chính sách bảo mật của Facebook.
Facebook cho hay chiến dịch tung tin giả này dường như không đạt kết quả, bởi hầu hết các bài đăng trên Instagram không nhận được lượt "thích" nào, còn các văn bản kiến nghị bằng tiếng Anh và tiếng Hindi trên Change.org đều nhận được chưa đầy 1.000 chữ ký.
Theo Gleicher, bộ phận bảo mật của Facebook nhận thấy xu hướng hoạt động phát tán tin giả thường nhắm vào nhiều nền tảng mạng xã hội và cố gắng chiêu mộ những người có uy tín và có nhiều người theo dõi để truyền bá tin giả.
"Khi những hoạt động này nhằm vào người có ảnh hưởng, chúng thường không cung cấp cho họ nội dung đầy đủ hoặc danh tính người cung cấp thông tin", Gleicher nói. "Và khi những người có ảnh hưởng phát hiện ra điều này, họ sẵn sàng tố cáo những kẻ lan truyền tin giả".
Hồng Hạnh (Theo AFP)