Trong thông báo, hãng xe Hàn cho biết quá trình xin bảo hộ phá sản diễn ra trước nguy cơ mọi hoạt động bị gián đoạn bởi hãng có thể không đạt được thỏa thuận gia hạn khoản vay với các ngân hàng nước ngoài.
Tập đoàn Ấn Độ Mahindra, nơi nắm giữ 74,65% cổ phần ở SsangYong, nói hồi tuần trước, rằng hạn thanh toán của khoản vay là 14/12.
Trong số đó, khoảng 27 triệu USD thuộc về Bank of America, 18 triệu USD là của JPMorgan Chase & Co, và 9 triệu từ BNP Paribas.
SsangYong hiện chìm trong nợ nần. Hãng cho biết đã áp dụng một chương trình hỗ trợ tái cấu trúc tự quản nhằm có được tối đa 3 tháng để đàm phán với các cổ đông, gồm cả chủ nợ, để cứu vãn tình hình, trì hoãn quyết định của tòa án.
Hồi tháng 4, Mahindra thông báo sẽ không đầu tư thêm vào thương hiệu con đang gặp khó khăn ở Hàn Quốc, khi các nhà sản xuất ôtô trên toàn cầu cố gắng tiết kiệm tiền trong nỗ lực vượt qua khủng hoảng của dịch Covid-19 hiện nay. SsangYong đứng bên bờ vực. Từ tháng 6, Mahindra cho thấy đang tìm kiếm một khách hàng để bán lại tất cả hoặc một phần của gần 75% số cổ phần ở SsangYong.
Trước đó, vào năm 2010 Mahindra đã giải cứu SsangYong khỏi tình trạng gần như mất khả năng thanh toán. Hãng xe Hàn Quốc vất vả để hồi sinh vận may, từng cân nhắc vào thị trường Mỹ nhưng cuối cùng quyết định tập trung vào Trung Quốc.
Tại thị trường nội địa, SsangYong có một năm kinh doanh ảm đạm. Doanh số xe trong 11 tháng đầu năm 2020 là 96.825, giảm hơn 20% so với cùng kỳ 2019, xếp cuối trong số 5 hãng xe Hàn và có 15 quý liên tiếp thua lỗ. Trong khi đó, bốn hãng còn lại là Hyundai, Kia, Renault Samsung và GM Korea đều tăng trưởng.
Mỹ Anh (theo Reuters)