Các kiểm toán viên đã từ chối ký vào báo cáo nửa năm của SsangYong, làm tăng nguy cơ hãng xe này có thể bị xóa tên khỏi thị trường chứng khoán nếu mọi rắc rối không được giải quyết tính đến cuối năm nay.
Hiện SsangYong không đưa ra ý kiến gì về cuộc khủng hoảng thanh khoản. Hồi tháng 4, hãng mẹ Mahindra (Ấn Độ) thông báo không đầu tư thêm vào thương hiệu đang gặp khó khăn ở Hàn Quốc, khi các nhà sản xuất ôtô trên toàn cầu cố gắng tiết kiệm tiền trong nỗ lực vượt qua khủng hoảng của dịch Covid-19 hiện nay.
Trước đó, vào năm 2010 Mahindra đã giải cứu SsangYong khỏi tình trạng gần như mất khả năng thanh toán. Hãng xe Hàn Quốc vất vả để hồi sinh vận may, từng cân nhắc vào thị trường Mỹ nhưng cuối cùng quyết định tập trung vào Trung Quốc.
Trước nguy cơ bị xóa tên khỏi thị trường chứng khoán, SsangYong đang tuyệt vọng chờ đợi những nhà đầu tư mới để một lần nữa có thể hồi sinh việc kinh donah.
Một số nguồn tin cho biết, các hãng Trung Quốc, gồm BYD và Geely, cùng hãng xe Việt, VinFast đều đang quan tâm tới SsangYong. Tuy nhiên, đại diện VinFast cho biết thông tin này không chính xác, có thể chỉ là cách để thổi bùng sự quan tâm của thị trường. Hiện hãng chưa có kế hoạch gì.
Một số nhà đầu tư tiềm năng khác cũng được nêu tên, như Renault Samsung và Ford. Tuy nhiên, chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra.
SsangYong rơi vào tình cảnh đứng bên bờ vực từ đầu năm nay, khi hãng mẹ Mahindra rút lời hứa đầu tư hàng trăm triệu USD theo kế hoạch ban đầu, thay thế bằng khoản ứng cứu chỉ khoảng 33 triệu USD cho tới khi tìm được những nhà đầu tư mới.
Hãng xe Hàn thậm chí phải dùng tới kế sách bán bớt tài sản, như trung tâm logistics ở Busan với giá 16 triệu USD, cũng như trung tâm dịch vụ sau bán hàng ở thủ đô Seoul giá 151 triệu USD. Hãng cũng cắt giảm tiền lương và trợ cấp phúc lợi nhằm tiết kiệm được 85 triệu USD trong năm nay.
Tháng 6/2019, tính theo thị phần ở thị trường nội địa, SsangYong đứng thứ ba với 7,58%. Hãng đầu bảng là Hyundai, với 51,28%, và đứng thứ hai là Kia, 31,82%. Hai thương hiệu xếp sau SsangYong là GM Hàn Quốc với 4,73% và Renault Samsung sở hữu 4,59% thị phần.
Mỹ Anh (theo Korea Joongang Daily)