Quân đội Sri Lanka sẽ giảm 1/3 quy mô, từ 200.783 binh sĩ hiện nay xuống 135.000 người năm 2024, Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Bandara Thennakoon thông báo hôm nay. Nước này sẽ tiếp tục giảm quân xuống 100.000 người năm 2030, nhằm tạo ra một lực lượng phòng vệ "cân bằng về kỹ thuật và chiến thuật".
Động thái cắt giảm quân diễn ra trong bối cảnh quốc đảo 22 triệu dân buộc phải thắt lưng buộc bụng sau khi rơi vào khủng hoảng kinh tế năm 2022, với dự trữ ngoại hối cạn kiệt.

Binh sĩ Sri Lanka duyệt binh mừng quốc khánh tại thủ đô Colombo ngày 4/2/2022. Ảnh: Reuters
Quy mô lực lượng vũ trang Sri Lanka đạt đỉnh trong giai đoạn 2017 - 2019, với tổng cộng 317.000 binh sĩ, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới. Quân số này còn lớn hơn quy mô quân đội trong cuộc xung đột dài 25 năm với lực lượng Những con Hổ giải phóng Tamil (LTTE), kết thúc năm 2009.
Chi tiêu quốc phòng của Sri Lanka đạt mức cao nhất vào năm 2021, tương đương 2,31% GDP, sau đó giảm còn 2,03% vào năm 2022, viện nghiên cứu Verite, trụ sở thủ đô Colombo, cho biết.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka đã bùng nổ thành các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người bị cáo buộc phạm hàng loạt sai lầm dẫn tới suy thoái kinh tế, lạm phát tăng vọt và kho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sau đó chạy ra nước ngoài và xin từ chức. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được bầu làm người kế nhiệm ông.
Như Tâm (Theo Reuters, News 1st)