Sau Tết Nguyên đán, giá đất tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đều tăng giá đột biến, đặc biệt là đất nền ở các khu vực lân cận TP Thanh Hoá, TP Sầm Sơn và các khu vực quy hoạch những dự án lớn.
Giá đất theo đó tăng trung bình khoảng 50-60% so với cuối năm 2020, theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ từ xưa không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.
Bên cạnh đó, giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng một m2, có nơi trên 20 triệu đồng một m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.
Để hạn chế sốt đất trở lại, mới đây Thanh Hoá lần thứ hai (lần đầu là giữa tháng tư) chỉ đạo các cơ quan tiếp tục công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, dự án được phê duyệt trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh này tăng kiểm tra, kiểm soát việc chuyển nhượng quyền, mục đích sử dụng đất; xử lý hành vi không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm so với tiến độ quy định,...Đồng thời, tỉnh khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả nếu giao dịch bất động sản chưa được cấp phép. Những động thái quyết liệt trên đã giúp hiện tượng giá đất "đột biến", "sốt ảo" bước đầu được kiểm soát.
Trước đó, Hải Phòng, địa phương diễn ra cơn sốt đất hồi đầu năm cũng ra chỉ thị tương tự, để ngăn giá đất leo thang. Đến nay, nhiều thông tin đang cho thấy, giá đất tại đây bắt đầu hạ nhiệt sau thời gian tăng nóng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận xét, nhờ các động thái can thiệp của nhà nước, thị trường đã bình ổn trở lại. Các cơ quan quản lý gần đây đã siết tín dụng bất động sản, thanh kiểm tra việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ruộng, đất rừng...
Các tỉnh thành cũng có có xu hướng giám sát các biến động giá giao dịch đất đai khi bị đặt vấn đề quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nếu đất tăng nóng. Theo ông Đính, khi nhà nước quản lý chặt và đưa ra các cảnh báo, nhà đầu tư cũng bắt đầu bình tĩnh khiến thị trường giảm nhiệt hơn.
Báo cáo thị trường bất động sản quý I vừa qua của Bộ Xây dựng cho thấy, "cơn sốt" đất nền cục bộ tại nhiều địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống. Theo cơ quan này, các giao dịch chính thức được ghi nhận thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại nhiều địa phương sốt đất chủ yếu là đặt cọc, sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.
Đức Minh