Bài viết của tay bút Scott Brown từ Android Authority bình luận về Sony và những thăng trầm trong mảng smartphone.
"Thỉnh thoảng tôi vẫn thường đề cập đến smartphone trong câu chuyện với bạn gái mình. Là phụ nữ, cô ấy dường như không để ý đến điện thoại. Khi Xperia 1 II ra mắt, tôi cũng nhắc đến, nhưng đáp lại là một câu hỏi đầy vẻ ngạc nhiên: 'Ủa, vẫn còn điện thoại Sony à?'.
Sau khi tôi trả lời có, thậm chí khen những chiếc smartphone của Sony rất phong cách và nhiều tính năng. Đáp lại, cô ấy nói rằng cô ấy không biết vì chưa thấy ai sử dụng, cũng không thấy quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.
Dù chỉ là một cuộc trao đổi ngắn, câu chuyện đang cho thấy vấn đề thực sự của Sony: Tạo ra điện thoại tốt là điều nên làm, nhưng chưa đủ bởi cần phải quảng bá nó cho mọi người biết nữa.
Chật vật ở mảng di động
Năm 2014, Sony từng bán được hơn 40 triệu điện thoại thông minh ra thị trường. Nhưng đến quý III/2019 (từ tháng 7 đến tháng 9), hãng chỉ bán khoảng 600.000 máy, tương đương doanh số của Huawei trong vòng một ngày và ở rất xa so với dự tính 5 triệu máy ban đầu.

Sony nhiều năm trung thành với thiết kế cũ. Ảnh: Trustedreviews.
Việc kinh doanh không như ý khiến hãng điện tử Nhật Bản phải sa thải hàng nghìn nhân viên, đồng thời gần như từ bỏ những thị trường từng rất quan trọng với họ như Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Australia, Trung Đông và Đông Nam Á. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhận định là do áp lực cạnh tranh quá lớn từ các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc.
May mắn cho Sony, mảng di động của hãng tạm thời chưa đến nỗi 'bết bát' do bộ phận chơi game vẫn mang về lợi nhuận. Dù vậy, CEO mới của Sony, ông Kenichiro Yoshida, cho biết, hoạt động kinh doanh smartphone là không thể tách rời, giúp duy trì thương hiệu phần cứng bền vững. Điều này đồng nghĩa rằng, công ty sẽ vẫn tạo ra điện thoại trong tương lai, kể cả khi mọi thứ khó khăn.
Smartphone Sony đang có gì
Trở lại câu chuyện với cô bạn gái, cô ấy có thể không biết điện thoại Sony đang tồn tại như Samsung Galaxy, Apple iPhone hay những sản phẩm của Motorola, LG, nhưng có một điều chắc chắn là cô ấy biết Sony vẫn là công ty điện tử và có sản xuất điện thoại.
Thực tế, với một doanh nghiệp, để bán được một sản phẩm cụ thể, đòi hỏi họ phải đẩy mạnh quảng bá nó. Nếu đợi người dùng tự biết và tự tìm đến sản phẩm, câu trả lời có thể là không bao giờ. Sony có vẻ theo con đường thứ hai.
Việc quảng bá sản phẩm với Sony hiện tại là điều không hề bất khả thi, bởi công ty vẫn hái ra tiền ở mảng game. Nếu công ty muốn giữ bộ phận di động, marketing là khoản đầu tư cần phải chi càng sớm càng tốt.
Tất nhiên, để tiếp thị, Sony cần tìm ra sự khác biệt trên smartphone của mình với hàng loạt sản phẩm khác đang có mặt trên thị trường và điều này không khó. Chẳng hạn, nhiều điện thoại của hãng có màn hình 4K hiển thị đẹp, âm thanh tuyệt vời, ngôn ngữ thiết kế đơn giản và khác biệt...
Không làm việc với nhà mạng
Tại một số thị trường lớn như Mỹ, phần lớn khách hàng sẽ mua smartphone theo hai bước: Đi vào cửa hàng (thường là cửa hàng của nhà mạng) và mua điện thoại mà nhân viên bán hàng tư vấn rằng họ nên mua. Theo PCMag, có 85 - 90% người Mỹ mua thiết bị di động mới theo cách này.

Việc không làm việc với nhà mạng được cho là một trong những nguyên nhân smartphone Xperia không thành công tại Mỹ. Ảnh: Androidauthority.
Trong khi đó, Sony lại thường không có quan hệ đối tác với các nhà mạng Mỹ, đồng nghĩa rằng 100% khách hàng sẽ rời những cửa hàng này với một điện thoại khác không phải của Sony.
Ngay cả những thương hiệu đang gặp khó trong kinh doanh như LG hay Motorola cũng cố gắng liên kết với bốn nhà mạng lớn của Mỹ là AT&T, T-Mobile, Verizon và Sprint. OnePlus, thương hiệu Trung Quốc 6 năm tuổi, cũng đạt được những thành công nhất định khi bắt tay phân phối các sản phẩm thông qua nhà mạng tại Mỹ thay vì tự đứng ra làm mọi thứ.
Tất nhiên, Mỹ chỉ là một phần của thế giới và Sony không chỉ bán hàng ở quốc gia này. Nhưng qua đó, có thể thấy công ty Nhật Bản đang kém linh động ở những nơi hãng phân phối smartphone của mình.
Chưa quá muộn
Theo một cách nào đó, tôi cho rằng Sony nên làm lại từ đầu. Bộ phận điện thoại của công ty Nhật Bản đang rơi vào tình trạng hỗn loạn 'không thể cứu chữa', nhưng hãng có thể nghĩ đến một thương hiệu khác và đứng sau hậu thuẫn, như cách Huawei làm với Honor, Oppo với Realme hay Xiaomi là Poco.
Thực tế, Sony đang có mọi thứ cần thiết để bước lại đỉnh vinh quang. Smartphone của họ trông tuyệt vời và hoạt động tốt, thường xuyên được cập nhật Android mới. Họ chỉ cần hạ giá bán một chút và lắng nghe người dùng hơn để thay đổi cho phù hợp.
Chỉ có điều, Sony có muốn thay đổi hay không mà thôi".
Bảo Lâm