Triển lãm Di động Toàn cầu (MWC) 2020 sẽ diễn ra trong tuần này nếu không có dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc ban tổ chức GSMA hoãn sự kiện quan trọng nhất năm của ngành công nghiệp di động cũng không ngăn các công ty ra mắt sản phẩm mới.
Tối qua (24/2), Sony công bố "Xperia 1 II" hay Xperia 1 Mark II, mẫu flagship mới nhất với giá 1.300 USD (30 triệu đồng) và tên được đặt theo phong cách dòng máy ảnh Sony Alpha. Giống các smartphone cao cấp khác ra mắt trong năm 2020, Xperia 1 II tương thích với mạng 5G (băng tần sub-6 Ghz thay vì mmWave) và tích hợp vi xử lý Qualcomm Snapdragon 865 mạnh nhất.
Máy trang bị màn hình OLED 6,5 inch ở độ phân giải 3.840 x 1.644 pixel, 8 GB RAM, 256 GB dung lượng lưu trữ và pin 4.000 mAh. Xperia 1 II đạt tiêu chuẩn chống nước IP 68, có khe cắm thẻ microSD mở rộng và hỗ trợ sạc không dây. Đây cũng là mẫu flagship duy nhất ra năm 2020 còn giắc cắm tai nghe.
Sony vẫn trung thành với thiết kế vuông vức đã trở thành thương hiệu trên Xperia 1 II, trong khi phần còn lại của ngành công nghiệp đã tìm cách tối đa diện tích hiển thị bằng thiết kế "tai thỏ" hay đục lỗ. Ở mặt trước, hai viền màn hình đối xứng là nơi bố trí loa stereo và camera selfie. Tuy nhiên, màn hình tỷ lệ 21:9 với phần viền trên và dưới dày khiến Xperia 1 II trở thành một trong những smartphone dài nhất (166 mm) trên thị trường hiện nay.
Bên cạnh trái của Xperia 1 II là phím điều chỉnh âm lượng và phím chụp ảnh, cạnh phải là cảm biến vân tay và phím nguồn. Mặt sau có cụm bốn camera, gồm ống kính chính 16 megapixel, ống kính tele 12 megapixel, ống kính góc rộng 12 megapixel và cảm biến ToF.
Theo Ars Technica, tần số refresh của Xperia 1 II lẽ ra phải cao hơn 60 Hz, bởi xu hướng của ngành công nghiệp là cung cấp màn hình có khả năng hiển thị nội dung mượt mà hơn, qua đó cải thiện trải nghiệm tổng thể trên sản phẩm. Một số công ty đã ra smartphone dùng màn 90 Hz năm ngoái, trong khi smartphone dùng màn 120 Hz xuất hiện nhiều hơn trong năm nay.
Sự liên kết giữa Xperia 1 II và thương hiệu máy ảnh Sony Alpha có vẻ khá mỏng manh, nhưng nó giúp bộ phận smartphone không cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Sony vẫn nỗ lực gắn kết smartphone với phần còn lại nhưng chiến lược chưa đem đến thành công vì nhiều lý do.
Ví dụ, thị trường smartphone chơi game chuyên dụng đang ngày càng phát triển và Sony sở hữu bộ phận PlayStation đem lại doanh thu khổng lồ mỗi năm. Nhưng công ty chưa từng kết hơp hai yếu tố này để tạo ra một cỗ máy chơi game di động trong hình dáng smartphone, có thể chơi những game "bom tấn" độc quyền.
Khả năng chụp ảnh cũng là một trong những tính năng quan trọng trên smartphone và Sony là nhà sản xuất phần cứng camera hàng đầu. Dù cảm biến của Sony giúp các đối thủ như Apple, Google hay Samsung tạo ra smartphone chụp ảnh đẹp nhất, công ty chưa bao giờ tận dụng hết sức mạnh phần cứng camera của mình trên điện thoại Xperia.
Hiện tại, nỗ lực nhỏ bé nhằm gắn kết Xperia 1 II với phần còn lại của Sony là quá muộn. Công ty Nhật Bản đã thất bại trong cuộc chiến tranh giành thị phần smartphone. Trong quý III/2019, doanh số điện thoại Sony đã tụt xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử với chỉ 600.000 smartphone bán ra trên toàn cầu. Thậm chí, một số công ty có thể vượt qua con số đó chỉ trong một ngày. Cùng vào khoảng thời gian đó, doanh số smartphone của Samsung là 79 triệu máy, Huawei là 65 triệu máy và Apple là 40 triệu máy.
Ars Technica nhận định, Sony đang thực sự mất định hướng. Công ty khó có thể khôi phục vị thế trước đây nhờ Xperia 1 II, mẫu smarpthone thiết kế lỗi thời "kiểu Sony", thiếu công nghệ tiên tiến như màn hình tần số refresh cao và có giá "trên trời" 1.300 USD.
Việt Anh (theo Ars Technica)