"Viễn cảnh dịch bệnh khiến người ta sợ hãi", Thị trưởng Arthur Virgílio lúc đó nói, khi phu đào mộ ở Manaus, thành phố lớn nhất Brazil, đưa những chiếc quan tài xuống ngôi mộ tập thể.
Khi đó, số người chết vì nCoV ở Brazil đã lên tới hơn 5.500 và Tổng thống Jair Bolsonaro chỉ nhún vai. "Tình hình chắc chắn không thể kết thúc tốt đẹp được", Virgílio nhận định.
Hai tháng sau, cơn ác mộng của Thị trưởng này trở thành hiện thực. Số người chết ở Brazil tăng lên hơn 60.000, trở thành vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới sau Mỹ. Các chuyên gia dự đoán con số tử vong vì Covid-19 của Brazil sẽ vượt qua Mỹ, nơi đã ghi nhận 130.000 người chết, vào cuối tháng 7.
Châu Mỹ Latinh, nơi sinh sống của 8% dân số thế giới nhưng số ca chết vì Covid-19 chiếm gần một nửa trong thời gian gần đây, đang là mắt bão với hơn 120.000 ca tử vong trong tổng số 524.000 ca toàn cầu và vẫn không ngừng tăng.
Trong khi đó, Thị trưởng Virgílio tuần trước phải nhập viện điều trị sau khi nhiễm nCoV.
"Chúng ta không được đánh giá thấp Covid-19. Nó thay đổi liên tục và tấn công từ mọi phía", Thị trưởng 74 tuổi cảnh báo trong video quay từ phòng bệnh. "Nó là một đội quân ma quỷ được tổ chức để làm hại loài người".
Brazil, nền kinh tế lớn nhất khu vực, không phải là quốc gia duy nhất đang vật lộn với Covid-19.
Mexico, nơi ghi nhận 30.000 người chết vì Covid-19, đã vượt qua Tây Ban Nha, trở thành quốc gia có số người chết cao thứ 6 thế giới, bất chấp tuyên bố của Tổng thống cánh tả Andrés Manuel López Obrador rằng dịch đã được khống chế.
Giới tinh hoa chính trị Nicaragua thấm đòn từ Covid-19, khi lãnh đạo bị cáo buộc đã cố ý che giấu tình hình dịch bệnh, khiến ít nhất 20 thành viên đảng cầm quyền Sandinista chết sau khi xuất hiện triệu chứng Covid-19.
Peru ban đầu được ca ngợi vì quyết định nhanh và áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng cũng mất đi hơn 10.000 người, trong lúc số ca nhiễm ở Chile, Argentina và Boliva đang tăng nhanh.
Với Venezuela, đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế do lệnh trừng phạt của Mỹ, nhiều người nghi ngờ con số 6.273 người nhiễm và chỉ 57 ca tử vong mà chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro công bố không phản ánh đúng thực tế. Đã có nhiều thông tin về sự gia tăng đáng lo ngại số ca nhiễm ở bang Zulia, miền tây đất nước.
"nCoV đang tràn ngập bang Zulia", Juan Pablo Guanipa, chính trị gia phe đối lập tại Maracaibo, nơi từng là trung tâm ngành dầu mỏ Venezuela, nói. Ông cho biết ít nhất 6 bác sĩ và một y tá đã chết vì Covid-19, còn bệnh viện đại học Maracaibo đã "sụp đổ hoàn toàn".
Cũng có vài điểm sáng ở châu Mỹ Latinh như Uruguay với chỉ 28 ca tử vong nhờ chiến dịch xét nghiệm tích cực. Đây là quốc gia châu Mỹ Latinh duy nhất lọt vào danh sách điểm đến an toàn của Liên minh châu Âu. Paraguay cũng kiểm soát được số người chết dưới 20 nhờ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Thành phố Guayaquil của Ecuador, nơi ban đầu lúng túng với Covid-19 và xác chết vứt đầy đường, nay đang khắc phục tình hình bằng đội ngũ y tế truy vết virus đến từng nhà.
Nhưng tình hình chung của khu vực vẫn không mấy sáng sủa, đặc biệt là ở Brazil, quốc gia mà tổng thống cánh hữu Bolsonaro bị cáo buộc đã phá hoại mọi nỗ lực ngăn chặn Covid-19, phản đối giãn cách xã hội, kêu gọi người dân quay lại làm việc dù số ca nhiễm tuần trước vượt mức 1,5 triệu.
Trong khi virus hoành hành, chính quyền Bolsonaro lại bị nhấn chìm trong bê bối chính trị và tranh cãi vô tận, trong đó có việc sa thải hai bộ trưởng y tế đã phản đối cách tiếp cận với Covid-19 của Tổng thống.
"Đây là một chính phủ giết người", Cristiano Rodrigues, một nhà khoa học chính trị, tuyên bố. Nhiều người Brazil cũng đổ lỗi cho Bolsonaro về những phản ứng chống Covid-19 phản khoa học khiến số người chết tăng cao.
Tuần trước, lúc dịch bệnh tiếp tục hoành hành, sự phẫn nộ lại nổi lên khi Rio de Janeiro mở lại nhà hàng, cửa hiệu, bãi biển, bất chấp lời khuyên của chuyên gia, còn mạng xã hội tràn ngập ảnh chụp những quán bar chật ních người trong khu phố thượng lưu.
"Chúng ta không thể bàn về làn sóng lây nhiễm thứ hai trong khi chúng ta vẫn đang ở làn sóng thứ nhất", nhà khoa học Natalia Pasternak tuần trước phát biểu trên truyền hình Brazil. "Brazil không hứng chịu sóng lây nhiễm thứ hai, mà nó là một cơn sóng thần".
Trong lúc các nước Mỹ Latinh đang vật lộn với đại dịch vẫn chưa đạt đỉnh, ngày càng nhiều người lo ngại về tác động lâu dài của Covid-19 lên khu vực, nơi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng giảm 9,4% trong năm nay. Hàng chục triệu người dự kiến rơi vào tình trạng nghèo đói, những tiến bộ xã hội qua hàng thập kỷ cũng bị xóa sổ.
"Chúng ta đang nói về một cú sốc chưa từng có", Eduardo Ortiz-Juarez, một học giả người Mexico nghiên cứu về ảnh hưởng của Covid-19 lên đói nghèo toàn cầu tại đại học King London, nói.
Ortiz-Juarez cho hay khoảng 72 triệu người Mỹ Latinh đã thoát nghèo sau một "thập kỷ vinh quang" nhờ tăng trưởng kinh tế bền vững và trợ giúp xã hội tích cực từ năm 2003 tới 2013.
"Sự đảo ngược này có lẽ không thể nào bù đắp lại. Chúng ta đang nói về 52 triệu người có nguy cơ rơi vào đói nghèo", ông nói, chỉ ra Mexico, Columbia, Peru và Guatemala là những nước có thể bị ảnh hưởng lớn nhất.
Ở Brazil, nơi IMF dự đoán GDP giảm 9,1%, người ta lo ngại kinh tế sụt giảm khiến nạn bạo lực trỗi dậy tại đất nước được coi là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới với hơn 40.000 vụ giết người năm ngoái.
Drauzio Varella, bác sĩ hàng chục năm làm việc trong hệ thống nhà tù quá tải của Brazil, cho hay ông lo ngại đại dịch sẽ buộc nhiều thanh niên thất nghiệp tham gia các băng nhóm tội phạm có tổ chức, "gây hậu quả rung chuyển xã hội".
"Chúng tôi sẽ đối mặt với bạo lực thành thị leo thang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và đó là lý do chính khiến người ta nghèo hơn", Varella dự đoán. "Tôi không có ý nói rằng chỉ vì nghèo và không có tiền mà người ta trở nên bạo lực, nhưng đây cũng là yếu tố gây rủi ro cao hơn".
Thành phố Manaus từng chôn cất 140 thi thể mỗi ngày hồi tháng 5 và giờ đây dường như đã vượt qua, nhưng virus giờ đây bắt đầu càn quét bang Amazonas.
Virgílio vẫn nằm viện, mặc quần áo bệnh nhân màu xanh, nói với những người ủng hộ "về căn bệnh khủng khiếp này" đã khiến phổi của ông tổn thương 25%. Vợ của ông cũng nhiễm nCoV và "đang chịu đựng những cơn đau đớn khủng khiếp khắp cơ thể". Là một người chỉ trích Bolsonaro kịch liệt ,Virgílio hiểu rõ ai cần chịu trách nhiệm cho nguyên nhân sâu xa của thảm họa.
"Tôi thà nghe theo Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan biết mình đang nói gì, còn hơn nghe những kẻ ba hoa không ngừng gieo rắc hoang mang thay vì đưa ra lời khuyên đúng đắn", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)