Sau khi đường dây đánh bạc trực tuyến bị phanh phui với 8 triệu người dùng thường xuyên, hơn 9.500 tỷ đồng đổ vào đường dây này, người bảo kê cho đường dây này lại là cựu cục trưởng C50, nhiều người bày tỏ sự bất ngờ trong chốc lát. Những ngày sau, mạng xã hội bớt sục sôi, dư luận ít quan tâm dần. Phải chăng cờ bạc đối với đại bộ phận người Việt là điều quá đỗi quen thuộc?Luật sư Khanh, hiện đang làm việc tại Mỹ chia sẻ với độc giả báo VnExpress bài viết xoay quanh về người Việt ở Mỹ và đánh bạc.
Ở Mỹ, có rất nhiều sòng bài, đặc biệt là ở tiểu bang California hay thành phố Las Vegas ở tiểu bang Nevada. Ngoài các trò đánh bạc ra thì họ còn có các nhà hàng, quán bar, và cả nhà biểu diễn nghệ thuật. Rất nhiều các show ca nhạc được biểu diễn ở sòng bài.
Một trong những điểm thu hút khách ghé thăm của các sòng bài là các nhà hàng buffet. Ở một sòng bài lớn thì có thể tìm ra buffet với giá $30-$35 có cả tôm hùm lẫn cua loại lớn. Trong một lần xếp hàng chờ ăn buffet, tôi bỗng nhận ra rằng có một hàng chữ thông báo là chỗ dành cho người khuyết tật. Dòng chữ đó bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt.
(Xem thêm: Đi từ thiện, gặp người nghèo đang đánh bạc)
Lần khác tôi ghé vào một nhà hàng có vẻ châu Á trong khuôn viên một sòng bài. Thực đơn thì chỉ bằng tiếng Anh, nhưng các món ăn thì rất Việt Nam: phở, gỏi cuốn, cơm chiên, phở áp chảo, và cả bánh mì thịt.
Ngày tết ở Little Saigon ở quận Cam thường trang hoàng không thua gì ở Việt Nam. Trong số các cờ hoa biểu ngữ chúc Tết có cả các cây cờ của sòng bài nổi tiếng. Họ chúc mừng tết Việt và không quên bỏ thêm hàng chữ "Sòng bài... chúc mừng năm mới".
Gần đây tôi đi hội chợ tết Việt. Hội chợ ở Mỹ rất đông vui, ngoài các gian hàng mang đậm tính Việt Nam thì có cả các gian hàng của các công ty đi quảng cáo cũng như các tổ chức quảng bá hoạt động của họ. Tất nhiên là các sòng bài cũng có mặt. Tôi không rõ là vô tình hay cố ý mà ban tổ chức lại sắp xếp gian hàng của tổ chức... giúp đỡ người nghiện cờ bạc ngay cạnh bên gian hàng của các sòng bài.
(Xem thêm: Tôi là người từng qua biên giới đánh bạc)
Phải nói sự đam mê cờ bạc của người Việt Nam thật đáng sợ. Ở Mỹ người Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 1% dân số, vậy mà các sòng bài lại "ưu ái" người Việt đến vậy.
Lý do vì sao không rõ. Có người nói là do người Việt nghèo nên mới vậy. Nhưng mà qua Mỹ thì đâu có nghèo như ở Việt Nam, có nghèo thì cũng có ăn, mà những người Việt đi sòng bài chơi đâu có phải là nghèo, nhiều người có nghề nghiệp đàng hoàng, làm ăn tốt, rồi mê cờ bạc mà tán gia bại sản.
Vì vậy khi nghe chuyện đường dây đánh bạc online với 8 triệu tài khoản bị phanh phui, nhiều người vẫn không ngạc nhiên. Ở ngoài đầu đường xó chợ ở Việt Nam đâu đâu cũng có đánh bạc. Cái chuyện bọn giang hồ tới nhà siết nợ đa phần là do cờ bạc, chứ ít ai làm ăn mà ra nông nỗi đó. Nhớ lại chuyện ca sĩ nổi tiếng bị bà mẹ "ám" suốt cả cuộc đời, trả nợ giúp mẹ lên tới 20 tỷ đồng mà phát sợ.
(Xem thêm: Vợ con ly tán vì vẫn cờ bạc nợ 2 tỷ đồng sau khi 'hoàn lương')
Đánh bạc là thứ không tạo ra bất kì giá trị nào mà chỉ gây mất tiền thôi. Hoạt động kinh tế của con người bản chất là làm bất cứ thứ gì nhằm mục đích là tạo ra sản phẩm cho xã hội. Người thì làm ra sản phẩm vật chất, kẻ làm ra dịch vụ như là ca sĩ hát hò. Còn đánh bạc thì là sự ăn qua ăn lại tiền của nhau. Trên chiếu bạc có 10 người, họ mang 10 triệu tới đánh thì xong dù ai thắng ai thua số tiền đó nó chả đẻ ra thêm cái gì ngoài sự khổ đau.
Khi Campuchia cho mở sòng bài, người Việt Nam đùng đùng kéo nhau qua chơi, thua tới nỗi nhiều người bị bắt cóc đòi gia đình đem tiền qua chuộc. Cờ bạc dù bị cấm nhưng vẫn rất hấp dẫn đến nỗi cựu cục trưởng C50 cũng tham gia bảo kê đánh bạc.
(Xem thêm: Tôi có nên ngăn bố mẹ bán ruộng trả nợ cờ bạc 200 triệu đồng cho em trai?)
Trong khi đó thái độ của người Việt Nam về chuyện đánh bạc phần nào bị ảnh hưởng bởi sự cảm tính trong mối quan hệ mà không nghĩ tới chuyện hậu quả dài lâu. Như ca sĩ nói trên tuyên bố không trả nợ cờ bạc cho mẹ nữa thì có kẻ lại lôi chuyện anh ta giàu có mà không chịu trả nợ cho mẹ, hay là lôi chữ hiếu ra để thuyết giảng.
Lắm gia đình cũng vậy, còng lưng để cày mà trả nợ cho con, cho chồng, cho anh em, cho cha mẹ. Những thứ tình cảm đấy, khi được thể hiện bằng việc trả nợ cờ bạc giúp thì thực ra là làm hại cả người lẫn mình. Một người mẹ như nói trên vẫn cứ tiếp tục cờ bạc đấy thôi, còn trả là còn chơi. Mẹ mà còn vậy thì con, thì chồng, thì anh em thế nào?
Tới tận bây giờ Chính phủ Việt Nam vẫn chưa hợp pháp hóa đánh bạc mà vẫn xem đó là một tội hình sự. Quan điểm này tương đối hiếm so với những nước còn lại trên thế giới. Nhưng sự đam mê cờ bạc của người Việt Nam thì hơi bị cao hơn các nước khác.
Một người bạn Mỹ của tôi, sau khi nghe kể những câu chuyện như trên đã nói rằng nếu Việt Nam hợp pháp hóa đánh bạc thì chắc người ta đem hết nhà đất bán cho người nước ngoài mất. Nghe thì hơi đau nhưng không phải là không có lý.
Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.